Bóng đá là môn thể thao tập thể. Đội bóng uy mãnh không phải đội bóng quy tụ nhiều ngôi sao mà tạo thành một tập thể ăn ý và nhất quán. Johan Cruyff từng nói một câu kinh điển là: “Tôi chưa từng thấy bịch tiền nào biết ghi bàn”, câu nói đúc rút từ thành công của Ajax Amsterdam và ĐT Hà Lan những năm 1970 và trở thành triết lý để Barcelona xây dựng La Masia sau này.
Liverpool dưới tay Klopp là một đội bóng như thế. Tại Anfield đêm qua, The Kop mất cả Roberto Firmino lẫn Mohamed Salah, phải sử dụng những gương mặt bị xem là "chân gỗ" như Divock Origi. Thế nhưng, đoàn quân áo đỏ vẫn tạo thành cỗ máy vận hành trơn tru đồng bộ, từ việc pressing cho tới tổ chức tấn công.
Barca lại không phải là một tập thể gắn kết như thế ở thời điểm hiện tại. Dưới thời Ernesto Valverde, La Masia bị rẻ rúng và hàng trăm triệu euro được đổ ra để chiêu binh mãi mã. 120 triệu euro ném cơ hội nâng tỷ số lên 4-0 ở những phút bù giờ trận lượt đi. Đến trận lượt về, 160 triệu euro mất hút trong ngày trở lại Anfield.
Hệ trọng hơn, đội bóng xứ Catalan chia làm hai phần riêng biệt. Tài nghệ siêu quần của Messi, tốc độ của Alba và sự tinh quái của Suarez đảm trách nhiệm vụ tấn công, với La Pulga là chìa khóa. Phần còn lại chủ yếu làm nhiệm vụ cầm bóng và phòng ngự. Sự yếu kém trong khâu tổ chức của Barca cũng được thể hiện qua việc họ thường xuyên sử dụng sơ đồ 4-4-2 thay vì 4-3-3.
Barca quằn quại trên ngọn lửa Anfield
Đúng hơn, Valverde đã đánh đổi truyền thống và triết lý để có sự an toàn và cân bằng. Sự hiện diện và phần nào gây ấn tượng của Arturo Vidal là bằng chứng. Đó là mẫu tiền vệ giỏi tranh chấp và chiếm lĩnh không gian hơn là xoay trở và phối hợp. Thông số 29 đường chuyền với tỉ lệ chính xác chỉ 78% nhưng có tới 7 cú tắc bóng thành công của cầu thủ người Chile phản ánh tư tưởng của vị chiến lược gia người Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, Valverde chỉ dám thực hiện cuộc cách mạng nửa vời, tức Barca vẫn dựa trên nền tảng kiểm soát bóng. Bi kịch của Barca là ở chỗ đó. Với 4-4-2, những tam giác phối hợp biến mất để thay bằng 2 tuyến phòng ngự, thế nên khả năng ban bật thoát pressing của Barca bị hạn chế đi nhiều. Họ chủ yếu phụ thuộc vào khả năng tạo đột biến của Messi trong khi Klopp là một bậc thầy pressing.
Thế nên, 3/4 bàn thua của Barca đến từ những tình huống mất bóng ngay bên phần sân nhà bởi khả năng gây áp lực của đối phương. Trở ngược lại trận lượt đi, thực tế tỷ số 3-0 không phản ánh đúng thế trận. Chiến thắng của Barca đến từ khoảnh khắc xuất thần của các cá nhân, đặc biệt là Messi trong khi các chân sút Liverpool lại tỏ ra quá vô duyên.
Liverpool đã thắng Barca cả chuyên môn lẫn tinh thần
Mặc dù vậy, 3 bàn là khoảng cách mênh mông để có thể san bằng. Thậm chí có thể xem thầy trò Klopp phải thực hiện một nhiệm vụ bất khả thi, bởi đối thủ là Barca, một siêu cường của bóng đá châu Âu với thiên tài Messi trong đội hình. Tuy nhiên, bóng đá là môn thể thao bất quy tắc và tại Anfield thì chẳng có điều gì là không thể xảy ra.
Hãy cảm nhận bầu không khí đặc biệt của cầu trường nơi đây. Tiếng hát đồng thanh của hàng vạn CĐV vang vọng đến từng ngóc ngách, từ bài hát truyền thống You’ll never walk alone thấm đẫm lịch sử cho đến khúc ca Allez allez allez hùng tráng. Đó là linh khí tích tụ từ những chiến công hiển hách từ thời Bob Paisley hay Bill Shankly để khiến mọi đối thủ phải run rẩy.
Và thực sự Barca đã run rẩy, như đã từng ở trận chung kết với Sevilla 20 năm trước hay đêm ác mộng tại Rome một năm về trước. Đêm Anfield thậm chí còn kinh hoàng hơn khi gã khổng lồ xứ Catalan quằn quại trên ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê và khí phách mà thầy trò Klopp cùng hàng vạn CĐV Liverpool tạo nên. Trong ngọn lửa ấy, không khó để nhận thấy hình ảnh của một chú phượng hoàng kiêu hãnh tung cánh bay vút lên không trung.