Như nhiều người tại Italia, Dybala bị ám ảnh bởi câu chuyện của Edoardo Di Carlo và Samuel Di Michelangelo, hai cậu bé bỗng chốc trở thành mồ côi sau trận lở tuyết kinh hoàng tại Rigopiano hồi tháng 1 năm nay, khiến 29 người thiệt mạng. Sau khi biết rằng hai cậu bé này là fan của Juventus, Dybala đã gọi điện mời cả hai đến Vinovo chỉ để chia sẻ rằng chúng không hề cô độc, bởi hoàn cảnh tương đồng của chính ngôi sao người Argentina.
Cha của Dybala qua đời khi anh mới 15 tuổi, sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư tủy. Là em út trong gia đình có 3 anh em, Dybala không được cả nhà nói thật về căn bệnh của người cha. “Họ muốn bảo vệ tôi khỏi sự ám ảnh. Tôi đã hy vọng ông ấy sẽ khỏi bệnh. Giờ thì tôi vẫn thường mơ về ông ấy mỗi đêm và thức dậy trong nước mắt”.
Adolfo, cha của Dybala, là người có ảnh hưởng vô cùng lớn đến bước đường sự nghiệp của cậu con trai. Chính ông là người ngăn cản không cho Dybala gia nhập Newell's Old Boys năm 8 tuổi, mà thay vào đó là Viện đào tạo trẻ của Cordoba. Ông cũng là người đưa đón Dybala đi tập hàng ngày.
Dybala và người cha, ông Adolfo
Khi Adolfo qua đời, Dybala không còn lựa chọn nào khác là phải rời Laguna Larga để đến Cordoba, nơi cách quê nhà anh 1 giờ đi xe hơi, sống trong nhà nghỉ của CLB. Lủi thủi một mình, Dybala bị chúng bạn đặt cho một biệt danh khá buồn cười là “Ông cụ non”. “Tôi thường đóng chặt cửa phòng vệ sinh và ngồi khóc tu tu trong đó, nhưng tôi nhất quyết không bỏ cuộc”.
Nỗi đau mất cha đã được Dybala chuyển hóa thành sức mạnh giúp anh vượt qua những thăng trầm trong giai đoạn khởi đầu sự nghiệp. Cha anh có ước mơ là ít nhất có một người con sẽ trở thành cầu thủ bóng đá. Gustavo và Mariano, hai người anh của Dybala đều không vượt qua được những thử thách để biến điều này thành hiện thực, và chính Dybala tự nhận thức rằng anh phải làm điều đó vì người cha quá cố.
Hai năm sau ngày cha mất, ở tuổi 17, Dybala trở thành cầu thủ ghi bàn trẻ nhất trong lịch sử CLB Cordoba, vượt qua thành tích của huyền thoại Mario Kempes. Ở mùa giải tiếp đó, anh ghi 17 bàn sau 38 trận ra sân, điều giúp anh có được 2 phần thưởng: biệt danh “Viên ngọc” và thương vụ 11,8 triệu euro chuyển tới Serie A, đầu quân cho Palermo.
Dybala thời còn thi đấu cho Cordoba
Cựu chủ tịch Maurizio Zamparini của Palermo là người đầu tiên so sánh Dybala với Messi, ở mùa giải bùng nổ 2014-15 của cầu thủ này. Nhưng có vẻ ít ai quan tâm đến điều đó, thậm chí còn có nhiều chỉ trích ác nghiệt khi Juventus bỏ ra số tiền 40 triệu bảng để chiêu mộ Dybala. Nhưng giờ thì nhiều người lại tâng bốc GĐĐH Beppe Marotta của Juve là “thiên tài”, sau những gì Dybala thể hiện cho đến thời điểm này.
Ngay cả một tiền đạo ngôi sao như Gonzalo Higuain cũng công nhận rằng Dybala ngày càng giống Messi với những pha đi bóng ảo thuật, trọng tâm cơ thể thấp, khả năng chơi một chạm tuyệt vời và đặc biệt là cái chân trái ma mị. Tuy vậy, cá nhân Dybala thấy anh chỉ là một cầu thủ có may mắn được chơi cho một CLB lớn, còn việc được so sánh với Messi và tham vọng trở thành một “Messi đệ nhị”, anh không màng tới.
“Tôi là Dybala và tôi chỉ muốn là Dybala, dù tôi hiểu luôn có những sự so sánh. Cũng như chỉ có một Messi và chỉ có một Maradona. Tôi muốn tặng tất cả những bàn thắng cho cha mình. Ông ấy dạy tôi không bao giờ bỏ cuộc và giấc mơ của ông ấy là được nhìn thấy một trong những người con của mình là cầu thủ. Tôi biết ông ấy rất tự hào về tôi”. Lời chia sẻ này cũng chính là câu kết hoàn hảo để khẳng định rằng, Dybala chỉ cần là một cầu thủ bóng đá như ước nguyện của người cha. Vậy là quá đủ rồi.