SIMEONE, KẾT TINH CỦA CHIẾN THUẬT
Diego Simeone từng được ví là “Jose Mourinho đệ nhị” trong khoảng thời gian đầu thành công cùng Atletico. Tuy nhiên, giờ rất ít người còn đề cập tới sự so sánh này. Diego Simeone có lúc cũng được so sánh với ông thầy cũ Marcelo Bielsa, với Juergen Klopp hay cả Pep Guardiola. Nhưng rõ ràng những liên hệ trên không đủ khắc họa chân dung chiến thuật của vị chiến lược gia người Argentina.
Thực tế, những so sánh trên về Simeone là có cơ sở. Với Mourinho, El Cholo rất giống ở tư tưởng thực dụng, cũng như hay nổi loạn bên ngoài đường pitse. Atletico của Simeone giống các đội bóng của Marcelo Bielsa ở khía cạnh các cầu thủ luôn chơi với tinh thần máu lửa.
Chiến thuật của Simeone còn tương đồng với “Gegenpressing” của Juergen Klopp, thi đấu với tốc độ cao trong cả phòng ngự lẫn phản công. Đấu pháp chiến thuật của HLV Simeone thực tế liên quan tới cả tiqui-taca của HLV Guardiola ở khía cạnh tổng lực. Như những đội bóng của Pep, Atletico đang chơi tổng lực, tức khi tấn công thì cả đội đều tấn công, phòng ngự cả đội cùng phòng ngự.
Tuy nhiên, như đã nói, chiến thuật của Simeone chỉ giống ở một hoặc một vài đặc tính, chứ cơ bản không tương đồng trường phái nào nói trên. Hay nói cách khác, Simeone rút tỉa những tinh hoa từ những chiến thuật thời thượng đó, kết hợp với tư tưởng chiến thuật của ông để tạo nên một trường phái bóng đá hoàn toàn riêng biệt. Giới chuyên môn gọi đó là “triết lý Cholismo”!
VIDEO: Đội hình tối ưu của Real và Atletico trận CK Champions League |
---|
NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản |
MẠNG NHỆN CỦA SIMEONE
Vậy Cholismo thực sự như thế nào, chiến thuật Atletico được thi triển ra sao, cốt lõi của chiến thuật này là gì?
Trước tiên, lối chơi của Atletico được vận hành trong một hệ thống chiến thuật rất khoa học, kỷ luật và chặt chẽ. Cầu thủ trên sân giống như một quân cờ. Mỗi đường chuyền, mỗi cú phá bóng, mỗi pha di chuyển của họ đều có ý nghĩa chiến thuật rõ ràng, đều hướng tới một kế hoạch cụ thể nào đó.
Chiến thuật của Atletico trông có vẻ khuôn mẫu, nhưng lại rất phong phú trong cách thức triển khai. Họ không chỉ phòng ngự giỏi, tấn công biên giỏi, mà còn phản công xuất sắc, tấn công trung lộ đáng gờm và rất nguy hiểm ở các tình huống “bóng chết”.
Tuy nhiên, sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiến thuật của Atletico là HLV Simeone xây dựng đội hình thành một khối thống nhất, từ vị trí thủ môn tới tiền đạo cắm. Khối thống nhất đó luôn được duy trì trong cả 90 phút, thậm chí 120 phút.
Khối thống nhất này rất cô đặc, bủa vây quanh trái bóng, bất kể ở đâu. Đó là lý do tại sao người ta cảm giác các trận đấu của Atletico không có khoảng trống trên sân, như trên sân futsal hoặc sân bóng mini 7 người.
CẢ ĐỘI NHƯ MỘT
Trong lối chơi của Atletico, một đặc tính nổi trội, dễ nhận thấy nhất là khả năng phòng ngự pressing từ xa. Như đã nói, đội bóng của HLV Simeone phòng ngự bằng tất cả đội hình (cũng như tấn công). Các cầu thủ tấn công, kể cả tiền đạo cắm, phải phòng ngự ngay khi đối phương triển khai bóng, ngay từ 1/3 phần sân đối thủ. Họ thậm chí phòng ngự quyết liệt, đeo bám về giữa sân và có thể cả về phần sân nhà, chứ không chỉ cho có.
Các tiền đạo đã vậy, các tiền vệ và hậu vệ của Atletico tất nhiên cũng đều tham gia nhiệm vụ đánh chặn và phòng ngự khi đối phương tấn công, luôn đeo bám đến cùng trái bóng, qua đó giúp Atletico luôn giữ được thế trận phòng ngự kiểu “mạng nhện”.
Thế trận của Atletico rất cô đặc, khối thống nhất này dịch chuyển theo trái bóng. Không chỉ phòng ngự, cách tấn công của Atletico cũng diễn ra theo phương cách này. Atletico chơi phòng ngự phản công, song không như kiểu truyền thống (kiểu Mourinho) vốn dựa nhiều vào các tiền đạo “mắc màn” ở phía trên. Atletico phản công bằng cả đội hình. Các hậu vệ, tiền vệ đồng loạt di chuyển theo bóng để hỗ trợ cho tiền đạo, với tốc độ và nhịp độ rất cao.
VIDEO: 5 trận đối đầu đáng nhớ giữa Real Madrid và Atletico Madrid |
---|
NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản |
Đó là lý do, cả đội Atletico đá đều lùi sâu khi phòng ngự, nhưng khi phản công thì chỉ trong tích tắc đã uy hiếp khung thành đối phương, đặc biệt có sự tham gia của nhiều cầu thủ, thậm chí cả đội hình.
Có thể gọi, đây là kiểu phản công nhiều lớp, khá mạo hiểm, nhưng lại rất uy lực. Lý do là nếu tiền đạo xử lý hỏng, phía sau họ có nhiều cầu thủ sẵn sàng ứng chiến, khiến các pha phản công của họ có tỷ lệ thành công cao.
Tất nhiên, để thành công với trường phái Cholismo, các cầu thủ phải có thể lực dồi dào, có tư duy chiến thuật rất cao và đặc biệt phải tuyệt đối tuân thủ kỷ luật, chưa nói tới phải có một HLV đại tài. Cũng như tiqui-taca, chỉ cần một cầu thủ đứng sai vị trí, di chuyển chậm một nhịp, chứ đừng nói xuống sức, cả hệ thống sẽ bị ảnh hưởng.
Lối chơi của Atletico rất khoa học, chặt chẽ và phức tạp. Tuy nhiên, tổng quát lại, lối chơi ấy có những đặc điểm cơ bản đáng chú ý sau:
Dùng số đông bít kín lối vào vòng cấm khi đối phương áp sát
Các tiền đạo phòng ngự ngay bên phần sân đối phương
Chiếm lĩnh “zone 14”, khu vực dễ bị tổn thương nhất
Cự ly đội hình luôn được giữ rất “chặt”
Áp dụng chiến thuật một kèm một ở hai cánh