Hiển nhiên rồi. Nhưng muốn tìm ra những cột mốc còn sớm hơn nữa, cũng vẫn có lý. Đấy có thể là trận hòa 1-1 trên sân Italia hồi tháng 10 năm ngoái. Thậm chí người ta còn có thể hình dung kết cục từ khi có kết quả bốc thăm chia bảng vòng loại. Suy cho cùng, đâu có gì là bất ngờ khi rút cuộc thì Tây Ban Nha chiếm ngôi đầu bảng cùng chiếc vé chính thức đi Nga, còn Italia đành hồi hộp chờ vòng play-off!
Cả Albania lẫn Macedonia, Israel, Liechtenstein đều không phải là đối thủ ngang tầm với Italia và Tây Ban Nha. Vậy nên, bản chất của cuộc đua trong bảng này chỉ là màn so tài trực tiếp giữa hai đội mạnh. Đá một trận duy nhất để trực tiếp loại nhau, trên sân trung lập - như cuộc đụng độ giữa họ ở VCK EURO 2016, câu chuyện còn có thể... khó nói.
Vì trong bóng đá, mọi chuyện đều có thể xảy ra trong 90 phút. Đá 2 lượt đi - về, đã quá khác rồi. Lại phải duy trì sự ổn định suốt 10 lượt đấu, sẽ lại càng khác. Gần như chắc chắc đội có thực lực tốt hơn sẽ đứng trên trong bảng xếp hạng chung cuộc. Vì, như đã nêu, cả 4 đội còn lại trong bảng đều yếu hơn hẳn về đẳng cấp để có thể sắm vai “phá bĩnh”, làm ảnh hưởng đến cuộc đua giữa Tây Ban Nha và Italia.
Trong mọi hoàn cảnh, thắng Italia chẳng bao giờ là chuyện dễ dàng. Nhưng với Tây Ban Nha, không thua Italia lại là nhiệm vụ đơn giản. Mà chỉ cần không thua là họ yên tâm giữ mãi ngôi đầu bảng - nhờ những chiến thắng 8-0 trước Liechtenstein, và những trận thắng luôn có cách biệt 3-4 bàn mỗi khi tiếp Albania, Israel, Macedonia.
Đấy chính là nguyên nhân dẫn Tây Ban Nha tới trận thắng Italia 3-0 trong tháng trước. Hoàn cảnh cuộc đua đã phần nào “bóp méo” tính cân bằng trong trận đấu then chốt này. Italia thua đậm vì họ không thể tiếp cận trận đấu như một cuộc đấu knock-out thông thường. Họ đành chấp nhận cuộc chơi “được ăn cả, ngã về không”.
Vì họ không còn lựa chọn nào khác. Italia thua vì họ không được phép hòa trước một đối thủ nhỉnh hơn về thực lực, trong khi đối thủ lại chỉ cần hòa. Bản chất cuộc đua đã là như vậy. Còn bây giờ, chiếc vé chính thức cho Tây Ban Nha chỉ là điều trước sau gì cũng phải đến mà thôi.
Vâng, Tây Ban Nha hơn Italia về thực lực, và đấy chính là điều quan trọng nhất trong thế “song mã”. Có đến 9/11 vị trí trong đội hình chính của Tây Ban Nha ở trận thắng Italia 3-0 là các hảo thủ từng đá chung kết Champions League. Hai người còn lại là David De Gea và David Silva - đâu cần giới thiệu! Vấn đề bây giờ chỉ là: từ thực lực quá hùng hậu trong tay HLV Julen Lopetegui, giới quan sát có thể rút ra điều gì trước thềm World Cup.
Gương mặt mới? Lopetegui đã dùng một cách ổn thỏa. Chiến thuật? Xem ra còn đa dạng hơn so với thời kỳ tiqui-taca, vốn là thời kỳ mà Tây Ban Nha có cách chơi tuy rực rỡ nhưng đơn điệu. Tài năng đồng loạt nở rộ trong thời kỳ ấy đã che đi phần nào xác suất rơi vào bế tắc của tiqui-taca.
So sánh có hơi khập khiễng, nhưng nếu cho rằng HLV “siêu sao” Pep Guardiola luôn thành công ở Barcelona và Bayern Munich một phần vì ông may mắt dẫn dắt các đội cực mạnh, thì Lopetegui cũng có cái may tương tự. Ông tiếp quản một Tây Ban Nha tuy vừa thất bại ở EURO 2016 nhưng vẫn quá mạnh vì luôn đầy ắp tài năng cá nhân.
Liệt kê chi tiết số lượng ngôi sao - cả trụ cột lẫn dạng “đầy tiềm năng”, có khi lại thời gian. Hãy cứ hình dung: vấn đề của Lopetegui trong vài tháng sắp tới không phải là chọn ai đi Nga tranh ngôi vô địch World Cup, mà là phải bỏ những ai. Chẳng phải dễ, nhưng đấy lại là cái khó quá “dễ chịu” đối với bất kỳ HLV nào.