ĐI LÊN TỪ ĐÀO TẠO TRẺ
Nghe có vẻ nực cười, bởi lẽ nghĩ đến việc sử dụng cầu thủ “cây nhà lá vườn” lập tức tất cả nghĩ ngay đến Barcelona với lò La Masia trứ danh hay Arsenal với Arsene Wenger và những đứa trẻ.
Tuy nhiên, hãy nhìn vào thực tế, Barca sau Thiago Alcantara, cầu thủ bây giờ đang khoác áo Bayern Munich, không trình làng thêm một gương mặt nào sáng giá. Từ Bartra, Christian Tello, Isaac Cuenca đến Munir, Sandro đều gây thất vọng, Sergi Roberto thì chỉ gọi là tạm được ở vai trò siêu dự bị.
Lò đào tạo trẻ Arsenal thì đến thời điểm này chỉ có lượng chứ không thấy chất. Mỗi năm Pháo thủ trình làng hàng tá tài năng trẻ, tất nhiên không ít cái tên tạo dấu ấn, nhưng rồi tất cả cùng chìm nghỉm, thui chột hoặc chỉ thuộc dạng cầu thủ thường thường bậc trung.
Trong khi đó, lực lượng Atletico Madrid hiện tại có tới 5 cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo trẻ và toàn là những cái tên lẫy lừng, giữ vai trò trụ cột. Đó là Koke, cầu thủ được ví như khối óc của Atletico, Saul Niguez, tác giả siêu phẩm vào lưới Bayern, Oliver Torres, tài năng trẻ sáng giá từng ghi dấu ấn trong màu áo Porto, thủ quân Gabi, một trong những máy quét hay nhất châu Âu hiện nay và Fernando Torres, sát thủ lừng danh đang hồi sinh mạnh mẽ.
Torres và Koke chính là biểu tượng cho sự thành công của lò đào tạo trẻ Atletico
Có một câu chuyện cần nhắc lại, Atletico từng mắc một sai lầm hết sức nghiêm trọng trong khâu đào tạo trẻ. Vào những năm đầu thập niên 1990, dưới thời chủ tịch Jesus Gil, nhằm tiết kiệm chi phí, ông này đã cho giải tán đội trẻ. Và một trong số những thành viên đội trẻ Atletico lúc ấy là… Raul Gonzalez, cầu thủ sau này đã trở thành biểu tượng của Real Madrid.
Từ bài học xương máu này, năm 1999, Atletico cho mở lại lò đào tạo trẻ và quyết định đầu tư mạnh cho việc trồng người này. Nhờ vậy, đội bóng áo sọc đỏ trắng mới có những cầu thủ “cây nhà lá vườn” chất lượng như ngày hôm nay.
BẬC THẦY TRÊN THỊ TRƯỜNG CHUYỂN NHƯỢNG
Bất chấp thành công vang dội trong những năm qua, Atletico chưa bao giờ được đánh giá là gã khổng lồ của bóng đá châu Âu. Lý do rất đơn giản, khả năng tài chính của đội bóng này rất eo hẹp.
Báo cáo tài chính năm 2015 cho thấy ngân sách hoạt động của đội chủ sân Vicente Calderon chỉ ở mức 150 triệu euro, tức chưa bằng 1/4 ngân sách hoạt động của đội bóng láng giềng cũng là đối thủ trong trận chung kết Champions League 2015/16 sắp tới, Real Madrid.
Không nhiều tiền nhưng Atletico không thiếu những ngôi sao trong đội hình
Bởi vậy, Atletico luôn phải đối mặt với việc bị các đội bóng giàu có hút máu. De Gea, Toby Alderweire, Filipe Luis, Arda Turan, Sergio Aguero, Diego Forlan, Diego Costa hay Radamel Falcao đều là những cầu thủ thành danh trong màu áo sọc đỏ trắng trước khi chuyển sang những đội bóng giàu có hơn như Manchester United, Barcelona, Chelsea hay Tottenham…
Tuy nhiên, Atletico chưa bao giờ là hiện tượng một mùa, sau khi thành công lập tức lụn bại vì mất ngôi sao. Nhờ tài “liệu cơm gắp mắm”, đội bóng áo sọc đỏ trắng luôn có những phương án thay thế hiệu quả khi phải bán đi ngôi sao nào đó. Lẽ dĩ nhiên, những thương vụ mua đắt bán rẻ cũng đem về cho sân Vicente Calderon khoản lợi nhuận khổng lồ.
Bằng chứng là bán De Gea, Atletico mượn được Courtois, Courtois trở lại Chelsea, Atletico có ngay Oblak, thủ thành chơi tuyệt hay ở trận bán kết lượt về vừa qua. Hay như sau khi Toby Alderweireld, Arda Turan, Diego Costa rời Calderon, lập tức Luis Gimenez, Saul Niguez, Griezmann nổi lên và chói sáng không kém trong màu áo Los Rojiblancos.
NGUỒN CẢM HỨNG SIMEONE
Những chiến công vĩ đại của Atletico in đậm dấu ấn của Simeone, không ai có thể phủ nhận điều đó. Ở nhà cầm quân người Argentina, người ta thấy được hai tố chất quan trọng nhất tạo nên một chiến lược gia đại tài, đó là tài điều binh khiển tướng và khả năng truyền lửa.
Simeone thành công bởi tài dùng binh và khả năng truyền lửa
Tại Atletico, Simeone xây dựng lối chơi phản bóng đá nhất từ trước đến nay, phòng ngự co cụm và rình rập tấn công. Lối chơi này quật ngã mọi ông lớn, mọi trường phái, từ thực dụng của Chelsea dưới thời Mourinho cho đến tiqui-taca trứ danh của Bayern Munich hay Barcelona. Thậm chí Barca còn 2 lần bị Atletico đánh bại, điều không một đội bóng nào làm được trong kỷ nguyên vàng của gã khổng lồ xứ Catalan.
Ngoài ra, cách dùng người của Simeone cũng cổ quái như tính cách của ông. Dưới sự dẫn dắt của El Cholo, không có khái niệm ngôi sao, tất cả có trọng trách riêng, được trao trọn niềm tin và khi ra sân luôn phải thi đấu hết mình như những chiến binh.
Nhờ Simeone, những tài năng trẻ như Koke, Saul bước ra ánh sáng. Nhờ Simeone, những cầu thủ thuộc dạng tiềm năng như Griezmann, Diego Costa, Radamel Falcao, Arda Turan vươn tầm trở thành ngôi sao. Nhờ Simeone, những cầu thủ thuộc dạng “làng nhàng” như Godin, Gabi, Juanfran, Filipe Luis… trải qua những năm tháng tươi đẹp nhất cuộc đời khi đã xấp xế tuổi 30. Và nhờ Simeone, một Torres tưởng chừng vứt đi bỗng chốc hồi sinh mạnh mẽ.
Nói về khả năng truyền lửa, đơn giản không ai bằng Simeone. Ông đứng bên đường biên nhưng luôn gào thét, hô hào học trò, đôi lúc còn làm những hành động điên cuồng và ánh mắt thì đầy lửa, như thể đang chơi bóng trên sân.
Atletico thành công không phải nhờ may mắn
Đơn giản, với nhà cầm quân người Argentina này mỗi trận đấu đều là một trận chung kết, và đã là chung kết thì chỉ có quyết chiến đến cùng. Từ ngọn lửa Simeone, các cầu thủ Atletico luôn cháy hết mình trên sân cỏ khiến người xem có cảm giác khi trọng tài nổi hồi còi mãn cuộc, tất cả sẽ đổ gục xuống.
Tựu chung lại, Atletico thành công không hề nhờ may mắn. Chiến lược đầu tư dài hạn bằng việc xây dựng lại lò đào tạo trẻ, sự không khéo trên thị trường chuyển nhượng và tài năng xuất chúng của HLV Simeone đã làm nên tất cả.
VIDEO: Hành trình tới trận CK Champions League của Real Madrid và Atletico Madrid |
---|
NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản |