Bấm đốt tay, kể từ ngày lão nhân gia cưỡi Cân Đẩu Vân về Linh giới, đoàn viên của Cửu Thiên Huyền Nữ cũng đã tròn một vòng hoa giáp. Sáu mươi năm trôi qua như một giấc mộng, nhưng sự nghiệp Hợp Tung bóng đá châu Âu của lão nhân gia lại thu được thành tựu rực rỡ vô cùng.
Mới đầu, các thành quốc lớn đều tỏ vẻ coi thường, xem giải đấu EURO chỉ thuộc hạng Sơn Đông mãi võ lìu tìu nên chẳng thèm tham dự. Tuy nhiên, con người ta vốn ưa náo nhiệt và thèm khát Vinh Quang, một phiếu bé ngoan cũng làm phụ huynh nở mặt, huống hồ đây lại là bả lợi danh của nhà vô địch châu Âu cứ 4 năm mới có 1 lần.
Trong hoài ức của các bậc trưởng lão túc cầu châu Âu, giai đoạn Tứ Đại Thiên Vương từ năm Liên Xô thứ nhất (1960) đến năm Tiệp Khắc thứ năm (1976), mỗi vòng chung kết, chỉ có tối đa 4 thành quốc rủ nhau lên đỉnh Hoa Sơn kiểm phiếu để tìm ra minh chủ túc cầu.
Đến năm Tây Đức thứ sáu (1980), số thành quốc tham dự VCK đã tăng gấp đôi, mở ra kỷ nguyên Bát Đại Kỳ Bảo của những thế lực đến từ Thần Địa. Mức độ khốc liệt và hấp dẫn của những cuộc thư hùng trời long đất lở gia tăng chóng mặt nhờ sự xuất hiện của bảng đấu và các danh vị Vô Địch, Á Quân, Đệ Tam Hùng, Đệ Tứ Hùng...
Kỷ nguyên này trải qua năm Pháp thứ bảy (1984), năm Hà Lan thứ tám (1988) đến năm Đan Mạch thứ chín (1992) thì suy tàn để nhường chỗ cho bình minh của thời kỳ Đại Chiến Thập Lục Thành Quốc. Trường tranh đấu lúc này mở rộng hầu như khắp Lục địa Già, không còn trong phạm vi Hoa Sơn kiểm phiếu nữa.
Anh quốc, danh môn chính phái túc cầu giờ suy tàn đến thê lương. Ngoài Vinh Quang World Cup 1966 có được trên sân nhà, họ hoàn toàn thất thế trong các cuộc đua tranh. Tổng đàn FA, chính vì thế, bằng mọi cách đã đưa EURO ra đảo khơi hòng mượn địa lợi để thống trị châu Âu.
Tuy nhiên, thành quốc Đại Đức, kết hợp từ 2 đế chế là Đông Phổ và Tây Phổ, đã phá mộng bá vương của người Anh để mở ra năm Đức thứ mười (1996) bằng cách kết kiễu tiểu quốc Cộng hòa Czech bằng thứ vũ khí còn khủng khiếp hơn thanh Đồ Long Đao, đó là Bàn Thắng Vàng của chiến tướng Oliver Bierhoff.
Thế Hợp Tung của đấu trường châu Âu càng ngày càng phát huy sức mạnh bá đạo. Không một thành quốc nào không thèm khát Vinh Quang EURO. Không một quân vương nào từ chối được vinh hạnh đăng cai giải đấu.
Năm Pháp thứ 11 (2000), lần đầu tiên EURO được 2 thành quốc đồng tổ chức là Hà Lan và Bỉ. Đó là tiền lệ để Thụy Sỹ - Áo (năm Tây Ban Nha thứ 13 - 2008) và Ba Lan - Ukraine (năm Tây Ban Nha thứ 14 - 2012) noi gương. Gớm ghê thay sức mạnh và sức mê hoặc của EURO, chỉ cần được đăng cai thôi là đã vinh hạnh muôn đời.
Tuy nhiên, lão nhân gia Henri Delaunay - cầu cho người luôn tráng dương bổ thận bên Cửu Thiên Huyền Nữ - đâu chỉ lập giải đấu này để châu Âu kiếm tiền từ tiền vé, tiền bán đồ lưu niệm, tiền quảng cáo, tiền bản quyền, tiền những kẻ hiếu kỳ muôn phương đổ lại.
Lão nhân gia hao tâm tổn trí khai sinh EURO nhằm phục vụ một mục tiêu vĩ đại hơn nhiều: Đạp bằng Nam Mỹ - Khuất phục Á, Phi - Thiên thu trường trị - Nhất thống sơn hà. Bằng sách lược đó, châu Âu dần lấy lại ngôi vị số Một thế giới, dần mở ra thời kỳ châu Âu thuộc lần thứ hai.
Mộng lớn của lão nhân gia Delaunay tưởng như thành tựu trong nay mai thì một biến cố khủng khiếp xảy ra, mà theo một Beater thì đó là biến căng đét, khiến cả châu Âu phải rúng động.
Đúng là:
Giơ tay tưởng hốt xong thiên hạ
Nào ngờ con tạo nổi phong ba
Biến cố lớn khiến châu Âu chao đảo là gì, xin đọc hồi sau sẽ rõ!
Xem thêm