1. Triệu Vân, tên tự Tử Long, là người thuộc quận Chân Định, vùng Thường Sơn (nay là huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc Trung Quốc). Ông là một trong những mãnh tướng thời cuối Đông Hán trong giai đoạn Tam Quốc phân tranh và được xem như khai quốc công thần của nhà Thục Hán.
Ông nổi tiếng là người trung dũng, một đời binh nghiệp đều gắn liền với những chiến công phò trợ Lưu Bị. Những ai đọc Tam Quốc diễn nghĩa chắc hẳn không thể nào quên đại chiến Tương Dương - Tràng Bản, nơi Triệu Vân một mình một ngựa vượt vạn đại quân Tào, chém 50 tướng, chặt gãy 2 lá cờ to, cướp được Thanh Công kiếm chém sắt như chém bùn để cứu lấy ấu chúa A Đẩu thoát khỏi vòng vây.
Không ai lại không biết chiến tích nhất thương cứu ấu chúa của Triệu Vân
Triệu Vân trung can, nghĩa đảm là vậy, nhưng cả trong chính sử lẫn Tam Quốc diễn nghĩa, vai trò của ông trong đại quân của Lưu Bị đều rất mờ nhạt. Chưa bao giờ trong đời binh nghiệp, Triệu Vân được thống lĩnh đại quân. Ông thường được bố trí như đệ nhất cận vệ bảo vệ an nguy cho gia đình họ Lưu, hoặc cầm một cánh quân nhỏ thực thi những nhiệm vụ chiến thuật.
Khi Lưu Bị lên ngôi hoàng đế, phong chức tước cho hết thảy công khanh đại thần thì chỉ mình Tử Long, người lập công nhiều hơn cả những Hoàng Trung hay Mã Siêu, là nhận tước phẩm thấp nhất. Chức vị của ông trong Ngũ hổ tướng hoàn toàn là do La Quán Trung thêm vào, như một cách để tìm lại sự công bằng cho võ tướng họ Triệu.
Nhưng với Triệu Vân, mọi thứ chức tước, quân hàm chỉ là phù phiếm. Nhiều người cho rằng, vì Tử Long không phải người có hoài bão, chí lớn, chỉ nghe Lưu Bị khen câu "Tử Long nhất thân thị đảm" (Cả người Tử Long đều là can đảm) đã thấy sướng run người. Họ nào đâu có biết, bậc chân thế anh hùng vốn không tìm kiếm sự thừa nhận. Chỉ cần về già nhìn lại, kể cho con cháu thời kỳ loạn lạc ấy ta vì chính nghĩa mà đấu tranh, vậy là đủ.
2. Kể từ khi bầu Đức cho ra mắt lứa I của học viện HA.GL - Arsenal JMG tại Sanix Cup 2013 với tên gọi U17 Việt Nam, Nguyễn Tuấn Anh đã luôn nằm trong nhóm nổi bật nhất. Trong đợt sang Arsenal thử việc, anh còn được HLV Arsene Wenger giới thiệu sang Olympiakos của Hy Lạp. Sở hữu kỹ thuật cơ bản cực tốt, tư duy chơi bóng hiện đại, Tuấn Anh được NHM yêu mến đặt cho cái tên "Ronaldinho Việt Nam".
Nhưng vẫn không ít người hoài nghi về năng lực của Tuấn Anh. Họ cho rằng việc đánh giá tiền vệ 21 tuổi cao đến như vậy là hoàn toàn vô lý. Họ dẫn chứng rằng, Tuấn Anh là một tiền vệ công nhưng số đường chuyền tạo cơ hội, số lần kiến thiết hay số bàn thắng của anh đều quá thấp. Những người ấy càng hả hê hơn bởi từ khi sang Nhật, tần suất có mặt của Tuấn Anh trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản là thấp hơn rất nhiều so với Công Phượng hay Xuân Trường.
Tuấn Anh chưa bao giờ mở lời giải thích với bất cứ ai, về bất cứ điều gì người ta đàm tiếu về mình
Anh chẳng cần phải giải thích với bất cứ ai. Tuấn Anh không, và cũng chưa bao giờ là cầu thủ của những phát ngôn, chứ đừng nói tới phát ngôn gây bão. Gọi điện báo cho HA.GL về tình hình tập luyện thì lúc nào cũng chỉ "Vâng, cháu ổn", "Vâng, cháu đá bình thường ạ" (theo chia sẻ của ông Nguyễn Tấn Anh - trưởng đoàn CLB HA.GL). Nói chuyện với mọi người thì lúc nào cũng thỏ thẻ, nhẹ nhàng.
Nhưng một khi bước vào trận đấu, người ta sẽ thấy một Tuấn Anh khác hẳn. Anh có thể khiến NHM ồ lên vì ngỡ ngàng sau một cú quặt bóng, thậm chí khiến cánh đàn ông rên lên khe khẽ khi thấy tiền vệ 21 tuổi đỡ bóng dính vào chân như thể gắn keo. Không cần giải thích trước mọi lời thị phi, Tuấn Anh lặng lẽ cúi đầu xuống và tập trung hết mình, đến những giọt mồ hôi cuối cùng trên sân.
Chân thế anh hùng vốn không kiếm tìm sự thừa nhận. Họ chỉ cần thỏa cái chí vùng vẫy trong thiên hạ, trung dũng tài năng tự khắc có người thấu hiểu. Khi xưa. Thường Sơn có Triệu Tử Long thì ngày nay, phố Núi cũng có Nguyễn Tuấn Anh.