Năm 2013 là một năm giàu sự kiện của bóng đá Việt Nam. Giống như bối cảnh kinh tế-xã hội chung của đất nước, bóng đá chứng kiến cả những nốt thăng và trầm.
V.League và giải hạng Nhất Quốc gia trải qua một mùa bóng khó khăn. Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, đã không còn đủ kiên nhẫn và sức lực để tiếp tục hành trình cùng bóng đá.
Đã có đội bóng phải dừng cuộc chơi, đã có những ồn ào về chuyện nợ lương thưởng cầu thủ, những tranh chấp pháp lý giữa CLB và cầu thủ… Các giải bóng đá trong hệ thống thi đấu của VFF đã vận hành giữa đầy rẫy khó khăn như thế, tất yếu dẫn đến kết cục chưa trọn vẹn như mong muốn.
Cũng tại kỳ SEA Games 27 khép lại năm 2013 này, chúng ta đã không khỏi ngậm ngùi chứng kiến những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt các tuyển thủ ĐTQG nữ khi để vuột mất cơ hội giành tấm HCV thứ 5 tại ngày hội thể thao khu vực.
Một chút buồn cũng dành cho môn futsal khi cả hai đội tuyển nam và nữ, dù đã tiến bộ nhanh trong những năm qua song vẫn chưa đủ sức lật đổ sự thống trị của người Thái, vốn đã đạt đến tầm vóc thế giới ở môn bóng đá trong nhà.
Nhưng đỉnh điểm của nốt trầm năm 2013 chính là thất bại cay đắng của ĐT U23. Dẫu biết rằng thực lực đội bóng của HLV Hoàng Văn Phúc có hạn, là bởi vài năm qua nền bóng đá Việt Nam chưa sinh ra được những cầu thủ trẻ xuất sắc để đáp ứng sự kỳ vọng.
Thế nên, thất bại này chỉ thêm hun đúc quyết tâm là phải làm sao tạo ra những cầu thủ chất lượng để gánh vác nhiệm vụ quốc gia trong tương lai. Và để làm được điều này, để làm nên một nền bóng đá mạnh mẽ và ổn định, không gì khác là phải đột phá trong khâu đào tạo trẻ.
May mắn thay, bóng đá trẻ chính là những hợp âm tươi vui, hy vọng, có lúc là âm hưởng chủ đạo trong bản hợp xướng bóng đá năm qua. Buổi tối ngày 22/9/2013, khi ngồi trước màn hình ti vi, lắng nghe thanh âm từ phố xá vọng lại, hẳn nhiều người sẽ có cảm giác mình đang sống trong một trận chung kết AFF Suzuki Cup, hay thậm chí là một trận World Cup có đội tuyển Việt Nam.
Theo dõi, hồi hộp, và tất cả chực bùng lên hò hét và vui sướng. Không, đó lại là trận chung kết giải U19 Đông Nam Á mà rốt cục, những cầu thủ U19 Việt Nam đã thất bại và phải bật khóc sau trận chung kết chơi hay hơn nhưng thua đầy tức tưởi trước U19 Indonesia. Trong những giọt nước mắt ấy, ta thấy rõ quyết tâm của các em và niềm tin của những người dõi theo.
Người hâm mộ không thấy buồn mà chỉ lâng lâng một niềm tự hào về lứa cầu thủ U19 Việt Nam, với nòng cốt là lực lượng của Học viện HAGL-Arsenal JMG tài năng, được đào tạo căn bản và chứa đầy hứa hẹn. Không phải ngẫu nhiên mà hàng triệu khán giả Việt đã lựa chọn và hài lòng khi sát cánh cùng các cầu thủ trẻ trong trận chung kết, thay vì theo dõi trận derby lừng danh giữa Manchester United và Manchester City hấp dẫn diễn ra cùng giờ.
Như một sự đồng điệu, trong năm mà đội tuyển U19 Việt Nam mang về hy vọng, báo Bóng đá cũng kỷ niệm tròn 10 năm tổ chức VCK Giải bóng đá U17 Quốc gia. Một thập niên đồng hành cùng giải đấu truyền thống này, khán giả cũng như hầu hết những phóng viên có mặt tại sân Thống Nhất ngày 12/7/2013, ngày diễn ra trận chung kết giải U17 Quốc gia báo Bóng đá - Cúp Thái Sơn Nam 2013, đều phải thừa nhận rằng mình chưa bao giờ chứng kiến một trận chung kết kịch tính và hấp dẫn đến như thế.
Các cầu thủ PVF TP.HCM đã thua SHB Đà Nẵng sau 10 loạt sút luân lưu. Lại có những giọt nước mắt hồn nhiên đã chảy. Nhưng nước mắt của các em, là nước mắt của những người trẻ chan chứa hoài bão, là nước mắt hứa hẹn với khán giả về những nỗ lực không ngừng. Trong những giọt nước mắt ấy có tương lai, tương lai xuất phát từ ước vọng vươn cao và sự căn cơ mà chúng ta đang dành cho các em.
10 năm chưa phải là quá dài, nhưng cũng đủ để nhìn lại một chặng đường không biết mệt mỏi của báo Bóng đá với công cuộc vun đắp tài năng trẻ, đủ để tin tưởng và tiếp tục con đường trong tương lai. Cũng năm 2013 này, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF, nơi nhận được rất nhiều kỳ vọng của người hâm mộ nước nhà, cũng đã tuyển được lứa cầu thủ U16 hướng tới mục tiêu ASIAD năm 2019 tổ chức tại Việt Nam. Tầm nhìn xa đã được đặt ra và thực thi đúng lộ trình cho một mục tiêu cao hơn.
Với phương châm “bóng đá trẻ là gốc rễ của thành công”, năm 2013 chứng kiến sự trỗi dậy của các trung tâm đào tạo trẻ cấp cơ sở. Bên cạnh học viện HAGL-Arsenal JMG là những PVF, Viettel hay sự chuyển mình trong phương pháp tuyển chọn và đào tạo của những lò gạo cội như Nghệ An, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Hà Nội…. Ở đâu cũng sáng lên những niềm hy vọng, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền bóng đá Việt Nam trong thời gian tới.
Trong cả sự chuyển mình như thế, những người làm bóng đá càng xác quyết hơn trách nhiệm của mình. Không chỉ đột phá về phương pháp tuyển chọn và huấn luyện, chúng ta còn dưỡng dục các em về văn hóa, nhân cách, giữ gìn ngọn lửa đam mê để các em được phát triển bài bản, đúng lộ trình và đầy đủ mọi yếu tố thành công trong sự nghiệp sau này.
“Một năm khởi đầu từ mùa Xuân” mà mùa Xuân “là Tết trồng cây” như lời Bác Hồ nhắn nhủ. Với bóng đá Việt Nam, trồng cây là trồng người, là ươm mầm những tài năng trẻ, tạo môi trường thuận lợi cho chồi non tài năng đó phát triển cứng cáp, đủ sức đương đầu được với những thử thách khắc nghiệt đỉnh cao để gặt hái vinh quang cho Tổ quốc.