Rời CLB Hà Nội, Quang Hải chuyển đến Pau FC (Pháp) trước khi có 2 lần ký hợp đồng với CLB Công an Hà Nội, với các thời hạn lần lượt là 1,5 mùa (tính từ năm 2023) và 3 năm (tính đến hết năm 2027). Trong 2 lần ký hợp đồng với đội bóng ngành công an, Quang Hải nhận được chế độ đãi ngộ hậu hĩnh. Anh được cho là nhận 10,5 tỷ đồng ở lần ký hợp đồng đầu tiên và khoảng 26-27 tỷ đồng cho lần gia hạn kế tiếp. Tổng số tiền lót tay mà Quang Hải nhận được vào khoảng 37 tỷ đồng. Đây là con số cao chưa từng thấy trong lịch sử bóng đá Việt Nam dành cho nội binh.
Kể từ khi chuyển đến CLB Hà Nội (tiền thân là Hà Nội T&T) vào năm 2011, Văn Quyết đã có 5 lần ký hợp đồng với đội bóng thủ đô. Ước tính mỗi lần ký hợp đồng, tiền đạo này lại nhận từ 2-3 tỷ đồng/năm. Nhờ vậy, tính đến lần gia hạn gần nhất (từ 2022 đến 2025), Văn Quyết dự kiến nhận tổng cộng 34 tỷ đồng. Đội bóng thủ đô cũng sẵn sàng trả lót tay và lương cao cho cầu thủ số 1 của mình, như sự tri ân trung thành của anh. Bản hợp đồng mới nhất của Văn Quyết với CLB Hà Nội cũng giúp anh có thu nhập cao bậc nhất giới cầu thủ Việt Nam.
Văn Quyết từng thổ lộ cách đây vài năm: “Từ năm 2012, một số đội bóng hạng Nhì của Pháp từng đặt vấn đề với tôi. Với những gì tôi thể hiện thời gian qua, không chỉ các CLB Việt Nam mà một số CLB nước ngoài cũng muốn chiêu mộ tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn cống hiến cho Hà Nội FC. Tôi muốn tiếp tục chinh phục thêm những danh hiệu khác cùng đội bóng”.
Không một cầu thủ nào của Việt Nam nhận được khoản lót tay trong một lần ký kết hợp đồng cao như Hoàng Đức. Đây cũng là kỷ lục của bóng đá Việt Nam. Hoàng Đức nhận khoản tiền đó cùng giao kèo 3 năm với một CLB ngoài thủ đô Hà Nội. Anh sẽ đầu quân cho CLB này từ đầu năm 2025, sau khi đáo hạn hợp đồng với Thể Công Viettel ở nửa đầu V.League 2024/25.
Tuy nhiên, Hoàng Đức sẽ phải chờ vào lần ký hợp đồng kế tiếp, khi anh đã… gần 30 tuổi, để có thể phá kỷ lục đắt giá nhất Việt Nam từ người đàn anh Nguyễn Quang Hải.
Trước Quang Hải và Hoàng Đức, Công Vinh có gần 10 năm giữ vững vị thế cầu thủ đắt giá nhất lịch sử V.League. Năm 2008, Công Vinh chia tay Sông Lam Nghệ An để đến Hà Nội T&T (tiền thân của CLB Hà Nội) với bản hợp đồng 3 năm, cùng số tiền chuyển nhượng kỷ lục lên đến 8 tỷ đồng (trong 3 năm).
Sau 4 năm khoác áo Hà Nội T&T, tiền đạo sinh năm 1985 bất ngờ "bẻ kèo" với đội bóng bầu Hiển để về khoác áo CLB Hà Nội FC của bầu Kiên. Để có được sự phục vụ của chân sút số 1 Việt Nam, ông bầu vốn nổi tiếng "tiết kiệm" của CLB Hà Nội FC đã phải chi ra số tiền 13 tỷ đồng cùng mức lương thuộc hàng kỷ lục: khoảng 70 triệu đồng/tháng. Thế nhưng sau đúng 1 năm gắn bó cho đội bóng Thủ đô, Công Vinh quay trở lại khoác áo SLNA với bản hợp đồng cho mượn 2 năm khi bầu Kiên vướng vòng lao lý, CLB bóng đá Hà Nội bị giải thể, không tham dự V.League 2013.
Công Vinh sau đó thi đấu cho SLNA, Consadole Sapporo trước khi đầu quân cho Bình Dương vào năm 2014. Mức lót tay mà anh nhận được ở đội bóng đất Thủ là 9 tỷ đồng. Sau hơn 13 năm thi đấu chuyên nghiệp, Công Vinh bỏ túi gần 30 tỷ đồng tiền lót tay.
Hồi đầu tháng 7, chính Tuấn Hải là cầu thủ xác lập kỷ lục tiền lót tay trong một lần ký kết. Cầu thủ này được cho là đã đồng ý thoả thuận 3 năm, kèm mức lót tay 8 tỷ đồng/năm với CLB Hà Nội. Trước đó, Tuấn Hải cũng từng ký 2 năm hợp đồng với đội bóng thủ đô sau khi chia tay CLB Hà Tĩnh vào năm 2021. Lúc bấy giờ, Tuấn Hải nhận 2 tỷ đồng/năm. Như vậy sau 2 lần chuyển nhượng, cầu thủ quê Hà Nam đã nhận 28 tỷ đồng tiền lót tay. Không những vậy, anh còn được CLB Hà Nội tạo cơ chế riêng khi sẵn sàng cho phép anh sang Nhật Bản chơi bóng theo dạng cho mượn vào thời gian tới.
Chia tay CLB quê hương Sông Lam Nghệ An, Quế Ngọc Hải có thương vụ chuyển nhượng đầu tiên trong sự nghiệp của mình khi đầu quân cho CLB Viettel (tên gọi trước của Thể Công Viettel) vào năm 2019. Đội bóng áo lính trả cho anh 9 tỷ đồng cùng bản hợp đồng 3 năm. Sau đó, Ngọc Hải trở về đội bóng cũ SLNA với mức lót tay 10 tỷ đồng trong 3 năm. Dẫu vậy, anh chỉ thi đấu 2 mùa giải với đội bóng xứ Nghệ trước khi chuyển đến Bình Dương thi đấu mùa trước.
Theo giới thạo tin, Ngọc Hải ký hợp đồng 2 năm với mức lót tay 6 tỷ đồng/năm và được nhận toàn bộ một lần. Đây được xem là mức chuyển nhượng kỷ lục đối với một trung vệ nội khi đã bước qua tuổi 30. Ước tính sau tất cả những lần chuyển nhượng, Quế Ngọc Hải có được 26-27 tỷ đồng tiền lót tay.
Trọng Hoàng là cầu thủ có số lần chuyển nhượng nhiều hàng đầu lịch sử V.League. Kết thúc V.League 2012, Trọng Hoàng trở thành cầu thủ “hot” bậc nhất trên thị trường chuyển nhượng. Xuân Thành Sài Gòn thậm chí còn đề nghị mức lót tay lên đến 14 tỷ đồng cho 3 năm hợp đồng. Trước đó năm 2009, Trọng Hoàng từng được Bình Dương định giá 9 tỷ đồng.
Sau cùng, ở thời điểm năm 2012, Trọng Hoàng đồng thuận gắn bó với SLNA theo thoả thuận 10 tỷ đồng (4 tỷ đồng tiền mặt kèm những đãi ngộ khác). Tuy nhiên, vì không thỏa thuận trên giấy tờ, nên sau đó Trọng Hoàng chỉ ở lại SLNA thêm 1 năm với khoản lót tay chưa đến 1,5 tỷ đồng và gia nhập Bình Dương vào năm 2014, với mức lót tay 7 tỷ đồng trong 3 năm.
Sau 3 mùa giải chơi cho Bình Dương, Trọng Hoàng đến chơi cho Thanh Hoá với mức 6 tỷ đồng cho 3 mùa giải. Dẫu vậy, cầu thủ này chơi 2 năm trước khi chuyển tới Thể Công Viettel vào năm 2019. Cầu thủ người Nghệ An cũng nhận 6 tỷ đồng cho 3 năm hợp đồng. Đến năm 2022, Trọng Hoàng hồi hương và thi đấu cho đội bóng xứ Nghệ 3 năm. Do chấn thương nên cầu thủ này không đóng góp được nhiều. Tới nửa sau V.League 2023/24, Trọng Hoàng chuyển sang thi đấu cho CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, góp phần giúp đội bóng này trụ hạng thành công.
Trước khi đến CLB Công an Hà Nội với bản hợp đồng 2 năm cùng lót tay dự kiến khoảng 10 tỷ đồng (5 tỷ đồng/mùa), Trần Đình Trọng cũng nhận một con số tương đương khi chuyển đến CLB Bình Định từ CLB Công an Hà Nội.
Trung vệ “săn Tây” đang ở giai đoạn trở lại phong độ đỉnh cao, sau một thời gian vật lộn vì chấn thương dây chằng. Đình Trọng được xem như trung vệ hàng đầu của Việt Nam. Anh góp công lớn vào những chiến công của U23 và ĐT Việt Nam năm 2018. Việc sở hữu Đình Trọng ở thời điểm này được xem là chiến lược hợp lý với CLB Công an Hà Nội.
Từng có thời điểm, cựu trung vệ lừng danh Vũ Như Thành chia sẻ có trong tay đến 50 tỷ đồng, khi sự nghiệp còn chưa đến tuổi 30. Thực tế, con số này bao gồm từ thu nhập bóng đá đến đầu tư và kinh doanh ở các lĩnh vực ngoài bóng đá.
Xoay quanh các lần nhận lót tay, Như Thành được Bình Dương trải thảm đỏ với lót tay 2 tỷ đồng vào năm 2007. Thậm chí, trung vệ này được cho rằng đã ký một giao kèo trọn đời với Bình Dương và nhận 10 tỷ đồng lót tay. Như Thành dần lấy lại phong độ đỉnh cao, trở thành thủ lĩnh ở hàng thủ đội bóng mới và được gọi trở lại ĐTQG chỉ sau nửa năm.
Năm 2008, Như Thành cùng ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup trên sân nhà. Sau cột mốc này, anh chuyển tới Vissai Ninh Bình, ký hợp đồng 3 năm và nhận lót tay 5 tỷ đồng (còn lại 3,5 tỷ là tiền phá vỡ hợp đồng cho CLB cũ). Như Thành sau đó đến Vicem Hải Phòng, Hùng Vương An Giang, Tây Ninh, Phù Đổng. Ước tính xuyên suốt sự nghiệp, Như Thành nhận khoảng trên dưới 20 tỷ đồng tiền lót tay.
Việt Thắng cũng chính là cầu thủ có giá trị chuyển nhượng lớn trong giới cầu thủ Việt Nam. Đầu tiên, cựu tiền đạo này chuyển từ HAGL đến Đồng Tâm Long An với giá chuyển nhượng chỉ ở mức tượng trưng.
Năm 2010, Việt Thắng gây sốc khi chuyển từ Đồng Tâm Long An sang Ninh Bình với khoản lót tay 9 tỉ đồng trong 3 năm. Năm 2011, B.Bình Dương tiếp tục khiến tất cả phải chú ý khi đưa Việt Thắng về sân Gò Đậu cũng với mức phí lót tay 9 tỉ đồng trong 3 năm.