Chiều 24/8, LĐBĐ Việt Nam và VPF phối hợp tổ chức cuộc họp trực tuyến với các đội bóng ở hạng nhất cũng như V.League để quyết định về số phận của mùa giải sau khi Ban chấp hành LĐBĐ Việt Nam thống nhất chủ trương dừng tất cả các giải đấu dù đã đi qua hơn một nửa chặng đường.
Khác với lần lấy ý kiến văn bản vừa qua của VPF gửi đến các đội bóng, trong cuộc họp lấy ý kiến biểu quyết trực tuyến lần này, 27/27 đội bóng đã nhất trí hủy tất cả các giải đấu gồm V.League, hạng nhất và cúp Quốc gia 2021. Ông Bùi Xuân Hòa, chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng lý giải cho pha “quay đầu” hoàn toàn này “xuất phát từ tình hình thực hiện là dịch bệnh do Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ nên nếu tiếp tục cũng chưa chắc giải đã diễn ra được lại tốn kém kinh phí rất lớn cho các đội bóng cũng như nhà tổ chức”.
Hơn nữa, lịch thi đấu của ĐT Việt Nam trong thời gian tới rải đều trong 4 tháng cuối năm. Cụ thể, thầy trò ông Park Hang Seo phải tham dự vòng loại World Cup 2022 trong các thánh 9, 10 và 11, sau đó, lại góp mặt ở AFF Cup 2020.
Do dịch bệnh đang diễn ra nên quỹ thời gian cho Đội tuyển Quốc gia là rất lớn khi không chỉ thời gian tập luyện mà còn cả thời gian cách ly y tế một khi trở về từ nước ngoài. Vì thế, V.League, hạng nhất và cúp Quốc gia không thể “chen chân” vào trong 4 tháng tới cho dù dịch bệnh được khống chế hoàn toàn đi chăng nữa.
Đây được coi là quyết định mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam bởi đây là lần đầu tiên, bóng đá Việt Nam phải chứng kiến cảnh hủy giải. Trước đó, VPF đã quyết định lùi mùa giải sang tháng 2/2022 nhưng các đội không đồng ý bởi phải gánh một khoản chi phí quá lớn trong khoảng thời gian dài không đá.
Rõ ràng, việc hủy giải là quyết định rất khó, chẳng đặng đừng nhưng là cần thiết trong lúc này. Bên cạnh lý do lịch thi đấu dày đặc của ĐT Việt Nam, việc hủy giải sẽ giúp cho các đội bóng tiết kiệm được một khoản ngân sách rất lớn.
Cụ thể, nếu phải duy trì đội bóng để tập luyện trong bối cảnh không thể xác định ngày trở lại sẽ ngốn của các đội bóng một khoản tiền không nhỏ cho các chi phí sinh hoạt như ăn, ở, tập luyện… Đặc biệt, các đội phải tốn một khoản lớn để trả tiền lương, phí lót tay cho các cầu thủ.
Việc công bố hủy giải sẽ giúp cho các đội bóng giảm được những gánh nặng chi tiêu trên, sắp xếp lại bộ máy nhân sự, nhất là lực lượng cầu thủ. Đặc biệt, nếu giải hoãn đến tháng 2/2022 như đề xuất của VPF, các đội bóng sẽ phải trả một khoản rất lớn tiền lương cho cầu thủ, nhất là các cầu thủ ngoại.
Đơn cử, mỗi cầu thủ ngoại hưởng lương tháng trung bình từ 7 ngàn – 10 ngàn USD mỗi tháng cùng với mức lót tay dao động trong khoảng 60 ngàn -100 ngàn USD cho mỗi mùa giải. Nếu V.League 2021 lùi đến tháng 2/2021 thì các đội bóng không có quyền thanh lý hợp đồng mà phải trả lương, lót tay cho đến khi mùa bóng 2021 kết thúc. Trong trường hợp thanh lý sớm có thể sẽ phải đền bù trọn hợp đồng nếu câu lạc bộ không muốn bị rắc rối một khi các cầu thủ nước ngoài kiện lên FIFA.
Việc hủy giải sẽ giúp cho các đội có lý do để chấm dứt hợp đồng với “lực lượng ngoại binh” vốn ngốn một khoản ngân quỹ rất lớn của các đội bóng. Nói có lý là bởi khi hợp đồng, các đội thường ghi thời hạn hợp đồng là “đến hết mùa giải” chứ không đưa ra một cột mốc thời gian cụ thể. Thế nên, hủy giải cũng đồng nghĩa với việc mùa giải đã kết thúc.
Hủy giải cũng giúp cho các đội bóng không phải bị động trong công tác chuyên môn, đồng thời, chủ động hơn về phương án chuẩn bị cho mùa giải tới. Ngoài ra, hủy giải đồng nghĩa các đội bóng không phải tập trung, tập luyện trong thời gian tới, qua đó, hạn chế đến mức tối đa nguy cơ dịch bệnh do Covid-19 lây lan cho cộng đồng.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ