Trong lịch sử V.League chưa bao giờ những kỷ lục chuyển nhượng lại dễ dàng bị xô đổ như vậy. Vì thế, người ta mới đặt ra câu hỏi: Giá trị cầu thủ đang bị “thổi” lên hay bản chất thị trường đang như vậy?
Transfermarkt, một website định giá cầu thủ uy tín nhất thế giới đã định giá Tuấn Hải, Quang Hải, Hoàng Đức cùng được 400.000 EURO (khoảng 10 tỷ đồng). Nếu lấy con số này làm hệ quy chiếu, cả 3 ngôi sao của ĐT Việt Nam nhận khoản lót tay hơn triệu đô la rõ ràng có cơ sở. Câu chuyện ở đây là, dựa vào đâu để đưa ra những con số đã nói. Đến đây lại có thêm một câu hỏi nữa: Đấy là sự định lượng hay… định tính?. Thật khó để đào sâu, mổ xẻ vấn đề này bởi ngay cả thế giới cũng không thể đưa ra một đáp án thuyết phục, thậm chí nó trở thành câu chuyện tranh cãi chưa có hồi kết.
Thực tế thị trường cầu thủ cũng giống như những phiên chợ, giá trị món hàng phụ thuộc vào cung - cầu. Quy luật cung – cầu cũng là mô hình xác định giá cả trên thị trường. Chúng ta có thể thấy các ngôi sao hàng đầu thế giới như Ronaldo, Neymar, Benzema… được nhận những mức lương “khổng lồ” tại Saudi Pro League là do nhu cầu của các ông chủ Ả Rập. Câu chuyện tương tự với Messi ở Mỹ. Rõ ràng, bản thân các cầu thủ khó cưỡng trước những “núi tiền” và họ sẵn sàng rời bỏ những giải đấu đỉnh cao để chơi ở đẳng cấp thấp hơn.
Cách định giá Tuấn Hải, Quang Hải, Hoàng Đức có lẽ cũng na ná như vậy. Giá trị cầu thủ được đẩy cao do nhu cầu quá lớn từ các ông chủ, các CLB. Ở một lăng kính khác, việc khan hiếm cầu thủ chất lượng trước thềm V.League 2024/25 cũng góp phần đẩy giá cầu thủ lên ngất ngưỡng. Tất nhiên, sự thành công của một bản hợp đồng dựa trên sự cống hiến của anh ta bằng số trận, số phút, số bàn thắng… trên sân chứ không phải bằng cảm tính. Một ngôi sao toả sáng là một bản hợp đồng “bom tấn”, còn ngược lại các đội bóng sẽ phải sống chung với một quả... "bom xịt".