“Cá nhân tôi từng gắn bó với ĐTQG và U23 Việt Nam, đã từng chứng kiến không ít ca chấn thương theo các mức độ khác nhau. Việc cầu thủ chấn thương trong các giải đấu là điều thường gặp bởi bóng đá là môn đối kháng trực tiếp, luôn luôn phải hoạt động thể lực với cường độ cao và thời gian kéo dài từ 90 đến 120 phút. Ngoài ra, sau khi trở về các CLB, tham gia các giải đấu trong nước, nếu chủ quan và không có kiến thức phòng tránh thì họ cũng rất dễ bị chấn thương hay gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Các cầu thủ Phạm Xuân Mạnh hay Phan Văn Đức của SLNA có thể là một trong những trường hợp như vậy. Họ vừa trải qua một giải đấu có mật độ thi đấu dày đặc và kéo dài. Điều dễ nhận ra, các cầu thủ thường bị vắt kiệt sức, rất mệt mỏi khi trở về cho nên khi vào sân thi đấu trở lại, dễ bị rủi ro gặp chấn thương. Những nguyên nhân sau đây thường dẫn đến những ca chấn thương đáng tiếc.
Đầu tiên là tư tưởng không coi trọng hoặc thiếu ý thức đề phòng chấn thương. Thứ hai là khởi động chưa đúng với thời gian, khối lượng, vị trí và chưa đồng bộ với bài tập chính. Thứ ba là nền thể lực không tốt, thiếu năng lượng, nước điện giải và hồi phục sức khỏe chưa tốt. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khác như tái phát chấn thương, tập luyện quá tải; thiếu dụng cụ bảo vệ; dụng cụ, trang phục tập luyện và thi đấu chưa phù hợp; sân bãi xấu hay yếu tố thời tiết...
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, bóng đá là môn thể thao chủ yếu chơi bóng bằng chân, do vậy, các chấn thương chủ yếu (hơn 80%) là ở phần chi dưới. Cụ thể, khớp cổ chân từ 17 đến 19%; khớp gối từ 15 đến 16%; cơ đùi và cơ bắp chân là hay bị chấn thương nhất, chiếm khoảng 24 đến 26%; tổn thương quá tải chiếm từ 9 đến 35 %... Các VĐV cần được trang bị những kiến thức cơ bản về cách phòng tránh chấn thương. Bên cạnh đó, các bác sĩ, các HLV, chuyên gia huấn luyện cũng cần có những phương pháp, phương án khi áp dụng vào tập luyện cũng như thi đấu để giảm những rủi ro chấn thương cho các VĐV.
Bác sĩ Thủy nói: “Tôi có mấy điều muốn chia sẻ với các cầu thủ như sau: Luôn luôn tập trung và có ý thức bảo vệ cơ thể; thường xuyên bổ sung năng lượng, nước điện giải, vitamin và khoáng chất; Khởi động kỹ, tăng dần về cường độ, tần số và độ khó (dựa theo giáo án bài tập chính); không nên quá gắng sức khi bị quá tải; điều trị thật tốt chấn thương cũ trước khi trở lại thi đấu; dụng cụ, trang phục tập luyện và thi đấu, dụng cụ bảo vệ, sân bãi phải phù hợp; chú ý đến vấn đề thời tiết, việc kéo giãn, căng cơ, thả lỏng, hồi phục cũng vô cùng quan trọng, cho nên các cầu thủ cần lưu ý, không bỏ qua khâu này...
Dĩ nhiên, chấn thương trong bóng đá còn rất nhiều yếu tố khác, nhưng các cầu thủ cần có những nền kiến thức cơ bản, bởi chính họ là người hiểu và biết cơ thể mình cần gì và như thế nào nhất”.