Bóng đá Việt Nam từng hy vọng khi cầu thủ Việt sang nước ngoài thi đấu. Từ Đông Nam Á, rộng ra là châu Á và cả châu Âu, bước chân của cầu thủ Việt Nam đã từng ghi dấu ấn. Nhưng mẫu số chung của các chuyến xuất ngoại ấy đều là thất bại, ở đây là về chuyên môn. Rõ ràng, khó có thể nói thành công khi các cầu thủ đi nước ngoài đều tuyệt đại đa số phải mài đũng quần trên ghế dự bị. Nhiều cầu thủ số phút được tung vào sân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gần đây có chăng, Văn Lâm được chiếm suất chính trong thời gian dài ở Muangthong United. Tuy nhiên, thủ thành này không hẳn được đào tạo ở môi trường bóng đá Việt Nam mà ở Nga nên khó có thể “tranh công”.
Bỏ qua câu chuyện vì quảng bá hay vì mối quan hệ hợp tác, sắp tới hai cầu thủ Việt Nam là Cao Văn Triền (Sài Gòn FC) và Trần Danh Trung (Viettel) sẽ tiếp bước những đồng nghiệp đàn anh như Lê Công Vinh, Nguyễn Tuấn Anh sang Nhật Bản chơi bóng. Trước hết, đó là tin tích cực và đem hơi hướng lạc quan đến cho bóng đá Việt Nam khi có cơ hội để quảng bá hình ảnh và phô trương thanh thế. Nhưng điều đó chỉ xảy ra một khi những Văn Triền hay Danh Trung tìm được chỗ đứng, y như cách “Messi Thái” Chanathip ghi dấu ấn mạnh mẽ trong màu áo Consadole Sapporo. Còn nếu thất bại, bóng đá Việt Nam sẽ có thể đón nhận những luồng ý kiến không hay từ dư luận quốc tế. Rõ ràng, đây không phải là chuyện cỏn con, bởi nó có thể ảnh hưởng đến cơ hội xuất ngoại của các cầu thủ khác sau này. Nói thế là bởi nếu không qua kênh “ngoại giao, bắt tay hợp tác” thì các nhà tuyển trạch sẽ phải soi xét rất kỹ và e dè một khi hướng đến thị trường cầu thủ Việt Nam sau những thất bại liên tiếp trước đó.
Nói thế để thấy, sứ mệnh của Văn Triền cũng như Danh Trung về hình ảnh cá nhân nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung là rất lớn. Nếu không được ra sân, Danh Trung có thể coi đó là cơ hội học hỏi, chuyến đào tạo đáng giá cho bản thân khi mới 21 tuổi. Nhưng với Văn Triền, không thể coi chuyến đi này là học hỏi, rèn giũa bản thân khi anh đang ở tuổi đỉnh cao của sự nghiệp cầu thủ. Do đặc thù về cơ địa, thể chất nên nhiều cầu thủ Việt Nam ngoài 30 tuổi đã bắt đầu “đổ đèo” trong nghiệp quần đùi áo số. Thế nên nếu xét về độ tuổi 28, Văn Triền đi là để thể hiện chứ không hẳn để học hỏi.
Về thể hình, Văn Triền không phải quá lo lắng khi Chanathip của Thái Lan nhỏ con (1m58) nhưng vẫn tả xung hữu đột tốt ở vị trí tiền vệ trung tâm. Với chiều cao 1m70 nên cầu thủ người Bình Định này hoàn toàn có thể yên tâm chơi tốt ở giữa sân, vị trí vốn không quá đòi hỏi về thể hình cao to. Vấn đề còn lại là khả năng tranh chấp, càn quét tốt để có thể thắng thế trong các cuộc đối đầu. Nhưng có những thách thức lớn hơn đang chờ đón Văn Triền. Đó là ngôn ngữ giao tiếp, đó là văn hóa, đó là sự hòa nhập vào cuộc sống và lối chơi. So với Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh hay Công Vinh…, kinh nghiệm quốc tế của Văn Triền là con số 0 khi anh chưa một lần góp mặt ở các trận đấu quốc tế, kể cả tầm CLB lẫn các ĐTQG. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng đối với một cầu thủ khi có thể sẽ đón nhận những bỡ ngỡ nếu chưa từng trải ở một môi trường xa lạ…
Một chuyến đi chứa đựng cơ hội nhưng cũng đầy thách thức cho Văn Triền. Đi mãi sẽ thành đường nhưng hy vọng, Văn Triền không đi vào lối mòn của đồng nghiệp mà rẽ sang cung đường mới, lạc quan hơn cho cầu thủ Việt Nam.
Báo chí Thái Lan chỉ ra vấn đề của Văn Hậu
Trang Siam Sports của Thái Lan viết: “ĐT Việt Nam dù đang dẫn đầu bảng G với 11 điểm, nhưng sẽ gặp bất lợi khi hậu vệ trái xuất sắc Đoàn Văn Hậu có thể vắng mặt tại các trận còn lại ở bảng G vòng loại thứ hai World Cup 2022 sắp tới. Cầu thủ này vốn không được thi đấu nhiều khi khoác áo Heerenveen (Hà Lan) trước đó. Gần đây khi trở về Việt Nam, Văn Hậu lại dính nhiều chấn thương và còn phải tiến hành phẫu thuật.
Dù Văn Hậu kịp hồi phục song việc phải nghỉ quá lâu và thiếu thực tiễn thi đấu ở cấp CLB sẽ ảnh hưởng tới màn trình diễn của cậu ấy. Đó sẽ là thử thách lớn với chính Văn Hậu cũng như ĐT Việt Nam khi bước vào lượt trận tới”.