Ở lần đầu tiên ra nước ngoài thi đấu, Công Phượng lúc này mới hoàn thành xong năm đầu tiên thi đấu tại V.League. Lúc đó, chân sút xứ Nghệ trở thành thần tượng của giới trẻ sau những màn trình diễn ấn tượng trong màu áo U19 Việt Nam.
Điểm đến của Công Phương là CLB Mito Hollyhock thi đấu tại J. League 2. Trước đó, tiền đạo Lê Công Vinh cũng từng có khoảng thời gian chơi bóng tại giải đấu hạng 2 của Nhật Bản trong màu áo Consadole Sapporo vào năm 2013, và tạo được dấu ấn đáng kể với 4 bàn thắng sau 11 trận ra sân.
Chuyến du đấu khi đó của Công Vinh có thể gọi là thành công. Song Công Phượng không thể làm được điều tương tự như người tiền bối đồng hương. Ở mùa giải 2016, tiền đạo sinh năm 1995 chỉ được ra sân 5 trận với vỏn vẹn 80 phút và 0 bàn thắng. Sau đó, chân sút sinh năm 1995 lặng lẽ trở lại HAGL và từ chối lời đề nghị gia hạn từ phía Mito Hollyhock.
Sau 3 năm, Công Phượng lần thứ 2 “du học” và điểm đến là CLB Incheon United ở K.League 1. Lúc này, Công Phượng đã là ngôi sao của bóng đá Việt Nam. Phong độ xuất sắc ở Asian Cup 2019 với 3 pha lập công, giúp cho ĐT Việt Nam vào vòng tứ kết là điểm nhấn quan trọng để Công Phượng lọt vào tầm ngắm của Incheon. Và sau đó, đội bóng Hàn Quốc đã đàm phán thành công với HAGL để mượn Công Phượng trong 1 mùa giải.
Thực tế thì tại Hàn Quốc, Công Phượng được tạo cơ hội nhiều hơn so với thời điểm ở Mito Hollyhock. Thậm chí ở một số trận đầu mùa, Công Phượng còn được đá chính. Nhưng dù nỗ lực, Công Phượng vẫn không có bàn thắng hay kiến tạo nào. Dần dần, đội bóng Hàn Quốc cũng không còn kiên nhẫn sử dụng cầu thủ này. Vì thế, số phút mà tiền đạo sinh năm 1995 thi đấu dần vơi đi.
Cuối cùng sau gần 4 tháng thi đấu ở K-League 1, Công Phượng đã được Incheon United đồng ý kết thúc hợp đồng sớm theo nguyện vọng của cá nhân. Hành trình của Công Phượng trên đất Hàn Quốc khép lại với 8 trận và 352 phút thi đấu.
Sau khi cắt ngang hợp đồng với Incheon, bầu Đức và HAGL tiếp tục tạo điều kiện để Công Phượng lần thứ 3 xuất ngoại, nhưng lần này là châu Âu với giải VĐQG Bỉ. Sint-Truiden STVV khi đó tuyên bố sẽ tạo điều kiện tối đa cho Công Phượng có nhiều thời gian ra sân. Nhưng những gì diễn ra tại Bỉ còn khắc nghiệt hơn so với trải nghiệm của Công Phượng tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Chân sút xứ Nghệ tỏ ra quá sức khi phải thi đấu môi trường châu Âu đòi hỏi thể lực cao.
Lần đá chính duy nhất của Công Phượng trong màu áo Sint-Truiden STVV diễn ra ở trận giao hữu cuối cùng của đội bóng này trước mùa giải mới. Còn sau đó khi bước vào mùa giải chính thức, tiền đạo ĐT Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 20 phút ra mắt khi vào sân từ băng ghế dự bị ở trận thua 0-6 của Sint-Truiden trước Club Brugge.
Công Phượng sau đó được chuyển xuống đội trẻ của Sint-Truiden rèn thể lực và tích lũy kinh nghiệm, trước khi trở về Việt Nam và tiếp tục thi đấu cho CLB TP.HCM theo dạng cho mượn 1 mùa trước khi quay trở lại HAGL.
Dù 3 chuyến xuất ngoại không thành nhưng khát khao chơi bóng ở nước ngoài vẫn chưa bao giờ tắt trong suy nghĩ của Công Phượng. Ở lần thứ 4 này, tiền đạo xứ Nghệ được tự do đàm phán và chọn bến đỗ khi anh vừa mới chia tay HAGL theo dạng tự do.
Một lần nữa, Nhật Bản lại là nơi mà Công Phượng hướng tới. Cầu thủ này thể hiện rõ khát khao thi đấu ở đất nước mặt trời mọc khi đem cả gia đình sang đây sinh sống.
Không mất nhiều thời gian lựa chọn, Công Phượng nhanh chóng gia nhập ở Yokohama FC theo bản hợp đồng 3 năm. Nhưng hóa ra tới lúc này, đây lại là chuyến đi “thảm họa” nhất với Công Phượng. Ở những lần xuất ngoại trước đó, cựu tiền đạo HAGL còn được nếm trải cảm giác ra sân thi đấu. Nhưng trong lần thứ 2 quay trở lại Nhật Bản, Công Phượng vẫn chưa được trao cơ hội ra mắt ở J.League 1 dù giải đấu chỉ còn 1 vòng đấu nữa là khép lại.
Những gì mà Công Phượng làm được cùng Yokohama FC chỉ được gói gọn với 2 phút thi đấu, trong trận gặp Nagoya Grampus ở cúp Liên đoàn Nhật Bản vào ngày 5/4.
Về lý thuyết, Công Phượng vẫn còn 2 năm hợp đồng nữa với Yokohama FC. Song liệu rằng cựu tiền đạo HAGL có mạo hiểm chấp nhận rủi ro để hoàn thành nốt giao kèo với đội bóng Nhật Bản?