Khó khăn bủa vây
Cho đến trước khi sự việc 18 cầu thủ Thanh Hóa đồng loạt lên tiếng trên mạng xã hội đồng thời đình công, dừng tập luyện và gửi đơn kiến nghị với mong muốn được trả tiền lương, thưởng thì đã có hàng loạt CLB ở Việt Nam đương đầu với vấn đề khó khăn tài chính. Ngay cả trong khi mùa giải 2023/24 diễn ra, đội Khánh Hòa đã kêu cứu khắp nơi với mong muốn được thanh toán tiền lương, phí lót tay.
Thậm chí, đến trận đấu gặp Quảng Nam (vòng 23), có tới hơn nửa đội hình chính của Khánh Hòa ngồi ngoài vì chưa nhận đủ lương. Tất nhiên, trước đó tinh thần thi đấu của Khánh Hòa đã rệu rã và cái kết xuống hạng là điều tất yếu.
Hay như mới đây, có đến 2 đội bóng hạng Nhất chính thức gửi văn bản kêu cứu tỉnh nhà, thậm chí Long An còn trả đội bóng về cho tỉnh. Nói thế để thấy, ở giai đoạn này, vấn đề khó khăn tài chính không chỉ diễn ra ở Thanh Hóa mà còn xuất hiện nhiều nơi, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về tương lai, số phận đội bóng. Đến ngay như đội bóng láng giềng với Thanh Hóa là SLNA suốt mùa năm ngoái cũng bị cắt tiền thưởng, và đương nhiên họ chẳng có tiền để mua sắm hay giữ chân cầu thủ.
Rồi với đội Quảng Nam, HLV Văn Sỹ Sơn đã thẳng thắn nói rằng vì nguồn tiền hạn hẹp nên không thể giữ chân bất kỳ cầu thủ nào vừa đáo hạn hợp đồng. Đội bóng này cũng chưa dám ký hợp đồng với ngoại binh vì “nếu chất lượng không đảm bảo thì không có tiền để mua ngoại binh khác”, nên phải chờ đến sát ngày diễn ra giải thì họ mới chốt “Tây”.
Giải pháp nào cho Thanh Hóa?
Trong những năm gần đây, mỗi mùa giải thường các đội bóng V.League phải chi từ 100-150 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí mua sắm cầu thủ, lương, thưởng và nhiều hạng mục khác. Thanh Hóa không phải đội bóng thuộc hàng “đại gia” nhưng họ vẫn cố gắng “liệu cơm gắp mắm” để vừa có đội hình cứng cáp, và quan trọng hơn là họ có nước đi đầy táo bạo nhưng đem đến sự hiệu quả với việc đưa HLV Popov về dẫn dắt. Trên thực tế, với đội bóng hằng năm chi ra hơn 100 tỷ đồng thì số tiền lương tháng mà Thanh Hóa đang nợ cầu thủ chẳng thấm vào đâu.
Hơn nữa, ngoài khoản tiền thưởng từ BTC giải thì việc Thanh Hóa nợ cầu thủ tiền thưởng chỉ là 1 phần, bởi trên thực tế việc đội bóng được thưởng bao nhiều là… tùy tâm ông bầu. Kể từ khi Thanh Hóa có sự chuyển giao với việc bầu Đoan tiếp quản thì gần 4 năm qua, đội bóng xứ Thanh đã lột xác và giành được nhiều danh hiệu nhất trong lịch sử CLB, từ chức vô địch giải U19 Quốc gia đến 2 lần liên tiếp vô địch Cúp Quốc gia và giành luôn Siêu cúp 2024.
Điều đáng nói, những lần thắng ở chung kết Thanh Hóa đều đánh bại các đội mạnh về lực lượng lẫn tài chính như Thể Công Viettel, Công an Hà Nội và đặc biệt là đội bóng có bề dày thành tích nhất là CLB Hà Nội. Hay như những ngày này, U21 Thanh Hóa đang tạo nên cơn sốt khi tiến vào tứ kết VCK U21 Quốc gia với ngôi nhất bảng C, cho thấy đội bóng xứ Thanh không chỉ gặt hái được thành tích ở đội một mà công tác đào tạo trẻ đang bội thu trong “nhiệm kỳ” bầu Đoan làm bóng đá.
Thế nên, để xảy ra tình trạng cầu thủ Thanh Hóa đồng loạt kêu cứu vì vấn đề tài chính là điều vô cùng đáng tiếc. Còn nhớ, ở mùa giải 2023/24 vừa qua, khi cầu thủ Khánh Hòa đình công thì lãnh đạo tỉnh này đã vào cuộc quyết liệt và có những phương án để tháo gỡ nút thắt cho thầy trò HLV Trần Trọng Bình. Bây giờ, nếu như Thanh Hóa được các cấp lãnh đạo tỉnh có kế hoạch chia sẻ khó khăn với bầu Đoan, biết đâu tình hình sẽ cải thiện với đội bóng xứ Thanh.
Lâu nay, các đội bóng V.League chủ yếu sống nhờ nguồn tiền của ông bầu. Nhưng khi kinh tế khó khăn, việc làm ăn của người đứng đầu đội bóng gặp trục trặc là lập tức CLB đó gặp vấn đề sức khỏe tài chính. Thanh Hóa là địa phương có lượng CĐV nhiệt thành, đông đảo và quan trọng hơn, với thành tích, vị thế mà thầy trò HLV Popov đang có được mà được địa phương vun đắp đầu tư, san sẻ gánh nặng tài chính với ông bầu thì vấn đề hiện tại sẽ có hướng giải quyết thấu đáo để cầu thủ yên tâm chuẩn bị bước vào mùa giải mới, nơi mà Thanh Hóa sẽ đá 3 mặt trận từ quốc nội đến quốc tế.