Tính toán, đánh giá rất kỹ lưỡng nhưng sau khi kết thúc giải giao hữu Hoàng đế Quang Trung 2021 để bước vào V.League 2022, SHB Đà Nẵng phải tức tốc thay cả 3 ngoại binh do trình độ quá kém. Chưa hết, HLV Phan Thanh Hùng còn phải thay đổi ngay sau những trận đầu mùa và ở giữa giai đoạn, lại tiếp tục đổi cầu thủ ngoại. Tính cả mùa, SHB Đà Nẵng có đến 3 lần thay đổi cầu thủ ngoại do trình độ kém hoặc chấn thương. Thực trạng của đội bóng bên bờ sông Hàn cũng là tình cảnh chung của nhiều đội bóng. Có nhiều đội vì những lý do khác nhau nên “ngại” thay đổi suốt cả mùa dù rằng trình độ của lực lượng “lính đánh thuê” không đủ năng lực để chơi ở V.League.
Đến thời điểm này khi chỉ còn vài ngày nữa là V.League 2023 khai màn, các đội bóng về cơ bản đều đã chọn đủ quân số. Có thể thấy, nhiều CLB “cơ cấu” ngoại binh theo nguyên tắc đã thành công thức là chọn 1 trung vệ, 1 tiền vệ và 1 tiền đạo. Dù vậy, một số đội khi cảm thấy các trung vệ nội đủ sức gánh vác khâu phòng ngự nên sử dụng cả 3 ngoại binh cho tuyến trên. Như ở B.Bình Dương, Moses chơi ở vị trí tiền vệ trụ, trong khi Neto và Rimario là hai mũi giáp công ở tuyến đầu. Công an Hà Nội cũng chọn 1 tiền vệ là Jesus Cley và 2 tiền đạo Petrovic Todor và Hamae Fred.
Nhìn vào danh sách ngoại binh của các đội có thể thấy, khoảng 2/3 các cầu thủ ở 14 đội từng chinh chiến ở V.League, chỉ có chuyển từ đội bóng này sang đội bóng khác. Đơn cử như bộ đôi Moses - Rimario vừa đầu quân cho B.Bình Dương đã khoác áo Hải Phòng ở mùa giải gần nhất. Tiền vệ Olsen chơi cho Sài Gòn FC, còn Rodrigo đầu quân cho Nam Định trước khi đến với SHB Đà Nẵng. Tương tự, Nam Định “tậu” tiền vệ ngoại Hendrio sau một số mùa giải chơi ấn tượng trong màu áo Topenland Bình Định. Phải khẳng định rằng, tuyệt đại đa số các cầu thủ ngoại thay đổi CLB trên đều đã khẳng định được năng lực. Và các đội bóng chọn lựa họ vì năng lực chuyên môn, bởi lối đá phù hợp với chiến thuật đề ra và quan trọng nữa là không phải mất công sức quá nhiều để tuyển chọn từ các gương mặt mới.
Dù vậy, nguồn cầu thủ cũ không phải đủ dư dả để các đội thoải mái lựa chọn nên phải hướng đến nguồn lực mới lần đầu đặt chân đến Việt Nam. Hơn 1/3 các cầu thủ mà các đội đăng ký được coi là tân binh. Đơn cử như tiền đạo Neto của B.Bình Dương, trung vệ Maurico Pinto của SHB Đà Nẵng, bộ ba ngoại binh của Công an Hà Nội, tiền đạo Paulo Sardin của Thanh Hoá… đều chưa một lần tranh tài ở các trận đấu chính thức trước đó trong môi trường bóng đá Việt Nam.
Có một thực tế rằng, rủi ro về chấn thương, năng lực chuyên môn… luôn đến với các đội bóng chỉ sau một vài trận đấu đầu tiên. Thực tế, nhiều đội bóng đã phải thay đổi ngoại binh ngay sau vài vòng đầu tiên khi điều lệ còn cho phép. Ở V.League 2023, các đội cũng có quyền thay đổi ngoại binh đến trước vòng 3. Tuy nhiên, đây là điều mà không ai mong muốn bởi hệ lụy về tài chính, chuyên môn… đến với các CLB là khá lớn. Hy vọng rằng với quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản, các đội sẽ không phải thay lực lượng “lính đánh thuê” chỉ sau vài vòng đầu của V.League 2023.