Hàng loạt bài viết, hàng loạt hình ảnh được đầu tư chỉn chu, tỉ mỉ hướng về “thượng tầng” SLNA được đưa lên một diễn đàn của các CĐV xứ Nghệ. Phía dưới vô số dòng bình luận ủng hộ, có cả những người thả “icon” thịnh nộ, cười ra nước mắt… Đấy cũng là tâm lý chung của rất nhiều CĐV xứ Nghệ sau trận thứ 6 liên tiếp SLNA không biết đến mùi vị chiến thắng.
Quả thật, SLNA như con thuyền không bến. Họ lao về phía dưới đáy trong sự bất lực của những người trong cuộc. HLV Phan Như Thuật được nhắc đến như một người đàn ông đáng thương hơn đáng ghét. Các chàng trai độ tuổi đôi mươi của ông hiện lên như những cây lúa non giữa mùa giông bão. Không có nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao và vì đâu? Có lẽ điều này được dự báo từ đầu mùa khi SLNA quyết tâm thực hiện “cuộc cách mạng” trẻ hoá.
Đã có ý kiến ủng hộ nhưng sự phản đối cũng không ít với chiến lược của những người đứng đầu bóng đá sông Lam. Vài năm qua sân Vinh vốn không còn mặn mòi với khán giả, nay lại càng đìu hiu hơn cảnh chợ chiều. Lại nhớ năm 2021, một cuộc chuyển giao rình rang đã diễn ra. SLNA được nâng cấp cơ sở vật chất. Các ngôi sao liên tiếp hồi hương hoặc được tái ký. Ai nấy đều phấn khởi vì đội bóng quê choa cuối cùng cũng gặp được “minh chủ”. Tiếc rằng bình minh vừa hửng nắng thì những trận mưa rào lại dội xuống.
Kể từ ngày xuất hiện trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp, SLNA chưa bao giờ xuống hạng. Lúc trà dư tửu hậu, các nhà làm bóng đá nơi đây vẫn tự hào rằng, “sông Lam biết khi mô cho cạn”. Đúng là nước sông Lam khó cạn, dù đục hay trong vẫn chảy ra biển lớn. SLNA cũng vậy, rất khó xuống hạng nhưng cứ “lay lắt” như ngọn đèn dầu thế này, quả là đáng tiếc cho một tượng đài. Vào lúc này có lẽ tướng Thuật và các học trò chờ mong điều gì nhất? Có lẽ họ đang chờ một cú hích, đấy là những hành động thực tế nhiều hơn hô khẩu hiệu. Những người trẻ sông Lam rất cần những điểm tựa cả vật chất lẫn tinh thần. Để ít nhất, họ không thua chính bản thân khi tiếng còi trận đấu vẫn chưa khai cuộc.