Mức trần liên tục thay đổi
Trước tháng 7/2024, Bóng đá cập nhật danh sách 10 cầu thủ nhận lót tay cao nhất lịch sử V.League, tính trên phương diện 1 lần ký kết. Với 16,5 tỷ đồng/3 năm từ phía CLB Công an Hà Nội, trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh là cầu thủ nhận lót tay cao nhất đội bóng nói riêng và giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói chung.
Nhưng cột mốc ấy nhanh chóng bị xô đổ. Chính xác hơn, mức trần về tiền lót tay dành cho nội binh V.League tính trên một lần ký kết thay đổi chóng mặt trong khoảng 20 ngày qua. Con số ước chừng 24 tỷ đồng/3 năm mà CLB Hà Nội trả cho Tuấn Hải vào đầu tháng 7 hoá ra không phải là cao nhất. Bởi chỉ sau đó hơn nửa tháng, chính CLB Công an Hà Nội thiết lập kỷ lục mới khi đưa ra con số được cho vào khoảng 26-27 tỷ đồng cho bản hợp đồng tối thiểu đến năm 2027 dành cho Nguyễn Quang Hải.
Con số kỷ lục về lót tay chưa dừng lại ở đó. Vài ngày sau, thông tin uy tín khẳng định Hoàng Đức đã đồng ý vào một thoả thuận có mức lót tay 30 tỷ đồng/3 năm. Cho đến giờ, đây cũng là mức trần của lịch sử V.League, tính trên phương diện một lần ký kết đối với cầu thủ nội Việt Nam. Cần nói thêm, cả sự nghiệp của danh thủ Lê Công Vinh, với 3 lần thay đổi đội bóng cũng chỉ bỏ túi 30 tỷ đồng!
Quay trở lại với mức sàn hiện tại của V.League. Con số được chia làm 2 đối tượng. Những cầu thủ trung bình đến khá hoặc đã luống tuổi nhận lót tay từ 1,5 đến 2,5 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, với diện các tuyển thủ quốc gia có phong độ cao, số tiền lót tay họ được hưởng dao động từ 4-5,5 tỷ đồng/mùa giải!
Thu nhập cao nhưng…
So với khoảng 15 năm trước, số tiền lót tay dành cho các cầu thủ ở diện trung bình hiện tại đã ngang ngửa với nhiều danh thủ ở thời điểm đó. Những bản hợp đồng được mô tả là vô tiền khoáng hậu ở thời điểm bấy giờ của Lê Công Vinh (13,5 tỷ đồng/3 năm từ Hà Nội T&T đến CLB bóng đá Hà Nội), Lê Phước Tứ (12 tỷ đồng/ 3 năm từ Thanh Hoá đến Sài Gòn Xuân Thành)… giờ đã khá phổ biến tại V.League hiện tại. Những Văn Toàn, Việt Anh, Văn Lâm, Thành Chung, Văn Đức, Văn Quyết, Ngọc Hải,… đều nhận được đã ngộ hấp dẫn tương tự.
Nếu nhìn ở câu chuyện trượt giá đồng tiền xuyên suốt 1,5 thập kỷ, hay như câu chuyện chuyển nhượng trên thế giới với mức phí ngày càng chóng mặt theo thời gian thì việc các cầu thủ Việt Nam được nhận lót tay ngày càng tăng cũng là dễ hiểu. Song có một điều phải thật sự trăn trở. Đó là chế độ đãi ngộ cho các cầu thủ tăng lên đáng kể nhưng chất lượng và vị thế V.League vẫn chưa có sự tiến bộ tương xứng, đạt được kỳ vọng của giới chuyên môn và mộ điệu.
Lấy ví dụ điển hình là hơn 10 năm trước, V.League thậm chí có 2 đại diện góp mặt tại AFC Champions League (Cúp C1 châu Á). Nhưng sau hơn 1 thập kỷ, 2 đội vô địch V.League và Cúp Quốc gia của Việt Nam chỉ tham dự đấu trường C2 châu Á (AFC Champions League 2). Các ngoại binh ưu tiên đến thị trường Malaysia hay Thái Lan, trước khi nghĩ đến đầu quân tại V.League.
Giá trị của cầu thủ Việt Nam trên “chợ” chuyển nhượng thế giới không cải thiện. Tính trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, những Quang Hải, Hoàng Đức, Ngọc Hải, Văn Lâm… vẫn chỉ giậm chân tại chỗ ở mức trung bình 300.000 đến 500.000 euro. Sự quan tâm của các CLB nước ngoài với cầu thủ Việt Nam cũng ở mức độ dè dặt. Một phần, chất lượng của đa phần nội binh ở V.League không có bước nhảy vượt trội để đủ khả năng cạnh tranh ở môi trường nước ngoài. Phần khác, với chế độ đãi ngộ rất cao ở V.League, bản thân cầu thủ hay các CLB nước ngoài khó lòng thoả mãn một con số khiêm tốn ở môi trường khác.
V.League đang trải qua một giai đoạn nhảy vọt về tiền lót tay cho các cầu thủ. Nhưng nó vẫn chỉ “sốt” trong không gian của Việt Nam, thay vì một đánh giá chuẩn mực hơn từ môi trường nước ngoài.
Thêm một điều cũng cần phải lo lắng. Đó là bóng đá Việt Nam đang chưa có thêm những tài năng trẻ nổi bật để đủ khả năng kế cận thế hệ cầu thủ chủ lực hiện tại. Và đương nhiên, trong vùng lựa chọn bị hạn chế, những cái tên quen thuộc cũng vì thế mà vẫn “sốt” đối với các đội bóng tại Việt Nam. Giá trị vì vậy mà được “thổi” lên cao hơn nữa.