“Anh Hiển từng muốn có Guti, Van Nistelrooy…”
- PV: Xin chào ông. Người ta biết đến ông nhiều với vị trí từng là chủ tịch một CLB bóng đá. Ông bắt đầu đến với trái bóng tròn như thế nào?
- Ông Nguyễn Giang Đông: Bóng đá gắn liền với tuổi thơ của tôi. Dù sinh ra trong gia đình công chức, không xuất thân từ bóng đá, nhưng tôi luôn yêu cuồng nhiệt bóng đá. Nhà tôi ở gần đại học Bách Khoa, tôi vẫn nhớ những ngày trốn học, đá bóng trên sân đất của đại học Bách Khoa rồi về nhà bị bố mẹ đánh đòn. Tôi có cảm giác rằng gia đình càng cấm đoán thì tôi lại càng khát khao. Lớn lên, sau khi xuất ngũ tôi có làm kinh doanh, và tôi bắt đầu chơi thân với bầu Hiển. Hai anh em cứ sau giờ làm lại đi chơi tennis. Cho đến khi anh Hiển làm kinh doanh bóng đá, tôi cũng trở thành một CĐV trung thành của Hà Nội T&T, nay là Hà Nội FC.
- Mối quan hệ giữa ông và bầu Hiển có lẽ không chỉ bắt đầu từ banh nỉ hay bóng đá?
- Anh Hiển có nhà máy sản xuất xe máy. Còn tôi mở đại lý tiêu thụ xe máy cho nhà máy sản xuất của anh ấy. Hồi đầu những năm 2000, thị trường xe máy ở Việt Nam bùng nổ lắm. Xe máy lắp ráp như của anh Hiển giá rẻ chỉ bằng 1/3 xe Honda, Suzuki thời bấy giờ. Mỗi năm, nhà máy tiêu thụ đến 1 triệu xe, còn đại lý của tôi cũng bán được 100.000 xe. Rồi đến một ngày, anh Hiển nói với tôi về việc thành lập một đội bóng đá. Và tôi ủng hộ anh ấy hoàn toàn.
Ông Giang Đông từng trực tiếp dẫn phái đoàn của Hà Nội T&T đi chiêu mộ Công Vinh
- Ông đánh giá thế nào về bầu Hiển, bên cạnh khía cạnh kinh doanh rất thành công?
- Đó là một người có tư duy, đam mê và táo bạo. Riêng với bóng đá, anh Hiển chơi rất thân với “siêu cò” Jorge Mendes và từng mời Mendes đến Việt Nam. Rồi trong một chuyến sang Bồ Đào Nha, bầu Hiển gặp Mendes và đề xuất rằng muốn đưa những lão tướng có tiếng tăm như Van Nistelrooy hay Guti về Hà Nội T&T. Đó là những cầu thủ nằm trong sự quản lý của Mendes. Thế nhưng sau đó những cầu thủ này đã từ chối vì chưa biết nhiều về bóng đá Việt Nam.
SLNA từ chối bán Công Vinh giá 1 triệu USD!
- Nhưng có vẻ như đấy chưa phải là tất cả những vụ đàm phán đình đám của bầu Hiển?
- Chính xác là còn nữa. Mùa 2008, anh Hiển có nói với tôi rằng Hà Nội sẵn sàng mua Công Vinh với giá 1 triệu USD! Mọi người đều ngỡ ngàng. Tôi cũng thấy rất ngạc nhiên, nhưng là bạn nên tôi hiểu sự quyết đoán của anh Hiển. Anh ấy khát khao muốn có cả thủ môn Dương Hồng Sơn và Lê Công Vinh cho Hà Nội T&T khi ấy để phục vụ mục tiêu thăng hạng V.League.
Vậy là tôi cùng một phái đoàn nữa có tham gia đàm phán với SLNA. Lúc bấy giờ thì anh Chiêm (GĐĐH Hồ Văn Chiêm - PV) cũng ngạc nhiên lắm nhưng bất ngờ từ chối. Anh Chiêm bảo Công Vinh là biểu tượng của SLNA, không thể cho mượn hay chuyển nhượng. Tôi hụt thương vụ ấy như vậy đấy. Phải 1 năm sau, Công Vinh thành cầu thủ tự do, mọi chuyện mới trở nên dễ dàng. Giá khi ấy khoảng 8 tỷ đồng, tất nhiên không còn cao như trước đấy nữa.
Công Vinh đến chào bầu Hiển thời còn thi đấu cho HN.T&T
- Ngoài trường hợp Công Vinh, ông còn hỗ trợ bầu Hiển ở vụ chuyển nhượng nào nổi bật không?
- Thời tôi chưa làm bóng đá năm 2010, một lực lượng cầu thủ của Thể Công khi ấy được chuyển giao cho Hà Nội. Lúc đấy tôi thấy trong đội chỉ có Văn Quyết là đủ khả năng. Nhưng ở giai đoạn cuối thì Viettel muốn giữ lại Văn Quyết. Tôi mới bảo anh Hiển là: “Thế thì thôi, mình nhận làm gì”. Sau rồi Viettel cũng đồng ý nhả Văn Quyết.
Lúc Quyết tập buổi đầu tiên, anh Hiển xem và bảo tôi rằng: “Anh Đông cứ khen Văn Quyết chứ Hiển thấy cậu này chạy loăng qua loăng quăng chứ có thấy làm được gì đâu”. Tôi bảo: “Loăng quăng mà chạy được từ đầu đến cuối là tốt. Chỉ sợ cầu thủ không muốn chạy”. Thế mà giờ đây, Quyết đã là đội trưởng Hà Nội FC. Mà tôi cũng không nghĩ rồi sau này lại là bố vợ của Quyết.
- Từng là chủ tịch của Hà Nội Fc rồi sau đó đổi tên thành Sài Gòn, theo ông, bóng đá Việt Nam hiện tại cần những gì để phát triển?
- Một đội hạng Nhất cần khoảng 20 tỷ đồng/mùa để hoạt động. Một đội ở V.League cần khoảng 30-40 tỷ đồng/mùa làm kinh phí. Tôi cho rằng vẫn còn đó những CLB gặp khó khăn về tài chính. Như tôi đã trải qua thì thấy rằng thực ra các doanh nghiệp không phải không muốn đầu tư cho bóng đá đâu. Như ở cấp CLB, tôi thấy rằng vẫn còn đó một sự dè dặt, lo lắng khi doanh nghiệp đầu tư vào đội bóng. Đó là điều mà bản thân CLB, BTC giải phải xem xét. Giải đấu có hay, CLB đá hấp dẫn, các trận đấu diễn ra cống hiến, công bằng, chất lượng thì ắt sẽ có sự đầu tư tốt hơn thôi. Tôi cũng mong rằng sẽ có những ông chủ dành cái tâm lớn cho các đội bóng. Thực sự, phải có nhiều hơn những bầu Đức, bầu Hiển thì bóng đá Việt Nam mới phát triển.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!