1. Một số cầu thủ đã ngập ngừng khi nhận câu hỏi kể trên. Hoặc câu trả lời sẽ chung cú pháp: Tất nhiên là có, nhưng…
Vâng. Luôn luôn tồn tại một mệnh đề quan hệ tuy nhưng, mà còn trong câu hỏi liên quan đến chuyện đãi ngộ hay tiền bạc. Không ai là không muốn mình có thu nhập tốt hơn. Chẳng ai từ chối rằng mình sẽ được nhận nhiều hơn, nhất là khi số tiền có thêm hoàn toàn chính đáng. Tiền thưởng luôn là một liều “doping” được chấp nhận bất thành văn trong thể thao. Bởi nó tạo được thêm động lực cho các vận động viên nói chung và cầu thủ bóng đá vượt qua cực hạn.
Nhưng. Quay trở lại với câu hỏi ban đầu. Thực tế ngay cả khi không có tiền thưởng, bản thân cầu thủ cũng đã phải chơi đúng với trách nhiệm và nghĩa vụ với CLB chủ quản. Bởi ngoài tiền thưởng, họ ràng buộc với CLB bằng khoản chế độ được ghi rõ trong hợp đồng. Với riêng đặc thù cầu thủ Việt Nam, thu nhập cứng bao gồm lương và phí hợp đồng. Trung bình, một cầu thủ ở V.League có mức lương khoảng trên dưới 35 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, khoản lót tay mà họ có được cũng dao động ở con số 1-2 tỷ đồng/năm, tương đương với khoảng 100-200 triệu đồng/tháng.
Vậy nên, chưa tính tiền thưởng, một cầu thủ đã nhận được bình quân cả trăm triệu đồng/tháng. Tất nhiên, dựa trên điều kiện thực tế, cầu thủ có thể nhận nhiều hơn hoặc ít hơn, tuỳ vào các khoản phụ lục liên quan đến những điều khoản đặc thù ở từng CLB. Hoặc thậm chí, con số kể trên sẽ rơi vào tình cảnh… chờ được giải ngân, nếu như cầu thủ ở CLB lâm vào tình cảnh khó khăn tài chính.
Tựu trung lại, với chế độ đãi ngộ lên đến 9 chữ số như vậy, chuyện cầu thủ có trách nhiệm hết mình với CLB, mà chưa cần đến chuyện thưởng là điều tất yếu. Bởi chẳng có nhiều nghề ở Việt Nam cho phép họ và gia đình có một đãi ngộ hậu hĩnh trong vài năm đến chục năm như vậy.
2. Ban lãnh đạo CLB Thanh Hoá có thể sẽ bấm nút “like” cho phần mở đầu của bài viết này. Mới nhất, trong cuộc trao đổi với Bóng đá, xoay quanh câu chuyện nợ lương, thưởng và phí mà 18 cầu thủ Thanh Hoá khiếu nại, đại diện lãnh đạo đội bóng cũng bày tỏ quan điểm về tính trách nhiệm trong cống hiến của cầu thủ, khi vốn dĩ họ được nhận lương, phí không tồi so với mặt bằng chung của V.League.
Quan điểm ấy đúng nếu như không tồn tại hai thứ “không” trong câu chuyện này. Thứ nhất, đó là CLB không nợ lương và phí hợp đồng. Thứ hai, đó là CLB không đưa ra câu chuyện thưởng, đặc biệt là treo thưởng với số tiền lớn cho các cầu thủ ra sân.
Thực tế, chuyện thưởng tiền vốn dĩ hiện diện ở khắp các CLB, đội tuyển quốc gia trên thế giới. Nhưng tại V.League, con số này phụ thuộc vào độ… hứng của các ông bầu. Chuyện một đội bóng nhận thưởng vài tỷ đồng sau một chiến thắng – ngang ngửa hoặc gần bằng với tiền thưởng… vô địch từ phía BTC giải là chuyện không hiếm tại Việt Nam. Thậm chí, một đội trụ hạng thành công còn được thưởng cao hơn số tiền mà BTC giải đấu trao cho CLB đoạt ngôi á quân chung cuộc.
Tất nhiên, chuyện thưởng tiền và chi ra bao nhiêu là đặc quyền của các ông bầu. Chẳng ai can thiệp khi họ muốn thưởng cho cầu thủ con cưng bằng một khoản tiền khổng lồ và hợp lệ. Chắc chắn, chuyện cầu thủ và Ban lãnh đạo đội bóng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” cũng chẳng xảy ra, nếu như tiền vẫn cứ đều đặn chuyển vào tài khoản hay được mang thẳng đến trước đội sau một trận thi đấu.
Nhưng chữ nếu ấy sau cùng chỉ là một kịch bản đẹp. Bởi cứ tìm kiếm bằng google, chuyện cầu thủ bị nợ thưởng, bên cạnh lương và phí ở V.League vẫn cứ xảy ra từ mùa này qua mùa khác. Vấn đề ở chỗ, tiền thưởng này đâu phải lúc nào cũng hiện diện rành mạch trong quy định của hợp đồng như lương và phí lót tay. Bởi như đã đề cập, con số treo thưởng nhiều hay ít vốn dĩ tuỳ vào độ hứng và tiềm lực kinh tế ở thời điểm thịnh, suy trong làm ăn của các ông bầu!
Lấy một vài dẫn chứng từ nước ngoài để đối chiếu. LĐBĐ Tây Ban Nha đồng thuận để 30% tiền thưởng mà đội tuyển Tây Ban Nha có được sau khi vô địch EURO 2024. Erling Haaland nhận thêm 1 triệu bảng nếu Man City vô địch Ngoại hạng Anh… Chuyện thưởng, phạt được quy định rất rõ vào hợp đồng các bên. Nguồn tiền này cũng được dựa trên cơ sở nguồn thu mà đội bóng có được thay vì độ biến thiên với biên độ dao động ngẫu hứng tại V.League.
3. Sau cùng thì khi gặp khó khăn về tài chính, một số CLB tự nhìn thấy vấn đề về chuyện thưởng tiền của chính mình. Họ hiểu rằng không thể cứ mãi treo thưởng theo hứng hay hứa hẹn một con số cao siêu. Đó là bài học lớn cho việc phải đưa ra một mức thưởng hợp lý, phù hợp với điều kiện tài chính của đội, nguồn thu từ trận đấu, giải đấu.
Có CLB áp dụng quy chế mỗi chiến thắng chỉ thưởng động viên từ 200 đến 500 triệu đồng/toàn đội. Có CLB lựa chọn vào từng trận đấu, phù hợp với tính chất hay trình độ đối thủ để khuyến khích cầu thủ có thêm động lực giành kết quả cao. Cũng có CLB siết chặt lại quy định thưởng tiền, phân chia thứ hạng dựa theo đóng góp của cầu thủ trong từng trận.
Nhưng cũng chưa có nhiều CLB thực sự đưa được chuyện thưởng, phạt này rạch ròi vào phạm vi hợp đồng. Những điều khoản tựa như: cầu thủ sẽ được nhận bao nhiêu khi ra sân đến mốc 20 trận đấu; thưởng bao tiền khi có 20 bàn thắng trong một mùa giải hay giữ sạch lưới 5 trận liên tiếp… là điều hiếm thấy trong các hợp đồng mà CLB dành cho cầu thủ ở V.League. Họ thường chỉ nhận các khoản cứng được quy ước về lương, về tiền phí hợp đồng. Còn về chuyện thưởng, các cầu thủ vẫn cứ chờ vào độ hứng của các ông bầu hay những lời hứa treo thưởng mà chưa chắc đã được giải ngân đúng ngày, đúng tháng!
Lời cuối cùng dành cho các cầu thủ. Vốn dĩ, chuyện thưởng tiền vẫn dừng lại ở góc độ động viên. Việc một CLB vô địch và nhận thưởng của giải đấu không đồng nghĩa toàn bộ số tiền sẽ được giải ngân tuyệt đối cho tất cả. Ví dụ như CLB Thanh Hoá vô địch Cúp Quốc gia 2023/24 với số tiền là 2 tỷ đồng. Nhưng đội bóng xứ Thanh không thể cứ bê nguyên 2 tỷ đồng để chia hết cho tất cả.