Bóng Đá Plus trên MXH

World Cup 1966: Kỳ quan sơ đồ 4-4-2 của ĐT Anh
22:43 ngày 11/11/2022
Sơ đồ chiến thuật đến và đi trong bóng đá đỉnh cao, cũng như các kiểu thời trang trong cuộc sống vậy. Riêng sơ đồ 4-4-2 của ĐT Anh tại World Cup 1966 thì đã trở thành huyền thoại, tồn tại và phát triển mãi đến tận bây giờ.
    TỔNG QUAN
    - Nước chủ nhà: Anh
    - Thời gian diễn ra từ 11/7 - 30/7
    - Số đội tham dự: 16
    - Số trận thi đấu: 32
    - Bàn thắng: 89 (2,78 bàn/trận)
    - Các SVĐ: Wembley (London), White City (London), Old Trafford (Manchester), Villa Park (Birmingham), Goodison Park (Liverpool), Hillsborough (Sheffield), Roker Park (Sunderland), Ayresome Park (Middlesbrough)
    - Tổng số khán giả: 1.563.135 (48.848 người/trận)
     
    CHUNG CUỘC
    Vô địch: Anh
    Á quân: Tây Đức
    Hạng Ba: Bồ Đào Nha
    Hạng Tư: Liên Xô
    Cầu thủ xuất sắc nhất: Bobby Charlton (Anh)
    Vua phá lưới: Eusebio (Bồ Đào Nha, 9 bàn)


    SƠ ĐỒ HUYỀN THOẠI 4-4-2

    Suốt hàng chục năm, 4-4-2 gần như là sơ đồ mặc nhiên cho các cuộc bình chọn “đội hình kiểu mẫu”, trên khắp thế giới. Đấy chắc chắn là sơ đồ nổi tiếng nhất trong lịch sử phát triển chiến thuật bóng đá. Có hẳn một tạp chí bóng đá nổi tiếng thế giới mang tên FourFourTwo. 

    Riêng tại nước Anh, cựu danh thủ David Platt từng nói: “Trong suốt thế hệ của mình, người Anh chúng tôi chỉ chơi theo sơ đồ 4-4-2, mà không hề thắc mắc vì sao. Chúng tôi không hề quan tâm đến những sơ đồ khác. Cứ như chơi bóng nghĩa là chơi theo sơ đồ 4-4-2”. Cần lưu ý: Platt sinh năm 1966, nghĩa là ông chỉ vừa chào đời khi đội tuyển Anh vô địch World Cup bằng sơ đồ này.
     
    World Cup 1966 là giải đấu lớn đầu tiên mà sơ đồ chiến thuật 4-4-2 xuất hiện (trước đó, người ta chơi theo các sơ đồ WM, 4-2-4 hoặc 4-3-3). Đây cũng là giải đấu lớn duy nhất trong lịch sử mà đội tuyển Anh đoạt chức vô địch. HLV Alf Ramsey thành công nhờ áp dụng sơ đồ này trong những trận quyết định. Chả trách, 4-4-2 trở thành “đặc sản” của bóng đá Anh. Nửa thế kỷ trước, người ta gọi sơ đồ kỳ lạ của HLV Ramsey là “wingless wonders” (tạm dịch: kỳ quan không tiền đạo cánh).
     
    Eusebio tung hoành huy hoàng trên đất Anh
     
    Vâng, đúng nghĩa đen. Suốt hàng chục năm liền, “tiền đạo cánh” là khái niệm chỉ tồn tại trong lý thuyết, hoặc ở bên ngoài nước Anh, chứ gần như không hề có thật trên sân cỏ Anh! Vì dân Anh chơi 4-4-2 nên tiền đạo cánh bị tuyệt diệt trên quê hương bóng đá, hay vì không có tiền đạo cánh ra hồn mà các đội bóng Anh luôn chơi theo sơ đồ 4-4-2? Đấy là vấn đề “con gà và quả trứng”.
     
    Thật ra, đội bóng của Alf Ramsey chơi theo sơ đồ 4-3-3 trong suốt vòng bảng của World Cup 1966, dù ông đã nhiều lần thử nghiệm sơ đồ 4-4-2 khi còn huấn luyện CLB Ipswich (Ramsey gia nhập Ipswich ở giải hạng Ba, giúp đội này vươn lên đẳng cấp cao nhất, lần đầu tiên trong lịch sử CLB, rồi lại vô địch Anh ngay lần đầu tiên chơi ở đẳng cấp cao nhất).
     
    Ramsey liên tục “xoay tua” John Connelly, Terry Paine, Ian Callaghan, trước khi kết luận rằng các tiền đạo cánh trong tay ông đều không hiệu quả. Đã vậy, trung phong số 1 nước Anh giữa thập niên 1960 là Jimmy Greaves lại chấn thương. Ramsey tin tưởng Geoff Hurst, dù nói thẳng là không ai thay được Greaves. 
     
    Cuối cùng, ông đi đến một quyết định táo bạo: phải thay Greaves bằng cả một cặp tiền đạo. Ông chọn Hurst và Roger Hunt. Muốn vậy, phải bỏ luôn cặp tiền đạo cánh. Có thêm một người, ông tăng cường cho hàng tiền vệ. Kết quả: thành công vang dội. Từ đó trở đi, đội tuyển Anh chơi 4-4-2, và không bao giờ họ dùng lại sơ đồ 4-3-3 nữa. Suốt hàng chục năm, chứ không phải chỉ ở World Cup 1966!
     
    World Cup 1966 diễn ra trong hoàn cảnh môn bóng đá vẫn chưa có luật cho thay cầu thủ. Vậy nên, dùng ai và chơi theo chiến thuật nào là điều mà giới cầm quân phải tính thật kỹ trước giờ bóng lăn. Cuộc cách mạng chiến thuật của HLV Ramsey tuy táo bạo nhưng không hề là chuyện tình cờ. Khi Anh ra sân với hàng công không có tiền đạo cánh thì hậu vệ cánh của đối phương bỗng nhiên... không biết kèm ai. Đấy cũng là một chi tiết quan trọng dẫn đến thành công của cách chơi theo sơ đồ 4-4-2 của đội tuyển Anh trong các trận knock-out tại World Cup 1966.

    LÊN NGÔI NHỜ BÀN THẮNG SƯƠNG MÙ

    World Cup 1966 được tổ chức trên xứ sương mù. Và đội chủ nhà đã lên ngôi đầy tranh cãi trong trận chung kết được quyết định bởi “bàn thắng ma” như được phủ sương mù. Anh và Tây Đức hòa nhau 2-2 sau 90 phút thi đấu chính thức. Hai đội phải bước vào hiệp phụ để định đoạt ngôi vương. Những diễn biến đáng nhớ nhất, sống mãi với sử sách và ký ức của mọi người xảy ra trong thời gian thi đấu thêm ấy, mà cụ thể hơn là phút 101 mang tính bước ngoặt.
     
    Đón đường chuyền từ bên cánh phải của Alan Ball, Geoff Hurst khống chế một nhịp rồi sút bằng chân phải cực căng. Bóng chạm xà ngang dội xuống phía khung thành của Tây Đức rồi bật ra ngoài trước khi được hậu vệ Tây Đức phá hết biên ngang. Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Trời nắng trong veo mà chẳng khác nào có sương mù che kín. Quá khó để xác định bóng đã đi qua vạch vôi hay chưa.
     
    Geoff Hurst đã ghi một bàn thắng gây tranh cãi đến tận bây giờ
     
    Các tuyển thủ Anh giơ tay ăn mừng bàn thắng. Còn các tuyển thủ Đức cũng giơ tay cho rằng bóng chưa qua vạch vôi. Sau khi hội ý với trợ lý trọng tài người Azerbaijan, Tofiq Bahramov thì trọng tài chính người Thụy Sỹ, Gottfried Dienst đã công nhận bàn thắng. 3-2 cho Anh và sau đó Anh thừa thắng ghi thêm bàn nữa để ấn định tỷ số 4-2.
     
    Lịch sử World Cup có không ít pha làm bàn tranh cãi. Nhưng “bàn thắng sương mù” hay còn gọi là “bàn thắng ma” ấy của Hurst vẫn gây tranh cãi bậc nhất. Phải 40 năm sau, nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người ta mới xác định rõ ràng được rằng bóng… chưa qua vạch vôi.
     
    Dù thế nào, bàn thắng ấy vẫn góp phần giúp Anh lần đầu tiên trong lịch sử vô địch World Cup. Đến nay, đó vẫn là chức vô địch World Cup duy nhất của Tam sư. Và việc người Azarbaijan lấy tên Tofiq Bahramov đặt làm tên SVĐ quốc gia của mình càng cho thấy bàn thắng ấy và trận chung kết ấy nổi tiếng thế nào.

    EUSEBIO XÂY TƯỢNG ĐÀI TRÊN ĐẤT ANH

    Eusebio đã có một giải đấu tuyệt vời trên đất Anh. Ông giành danh hiệu Vua phá lưới với 9 bàn thắng và gần như một mình đưa ĐT Bồ Đào Nha tới vị trí đệ tam anh hào tại World Cup 1966.
     
    Nếu đặt câu hỏi “điều gì khiến bạn ấn tượng nhất ở VCK World Cup 1966” với những người yêu bóng đá ở tuổi thất thập, có lẽ bạn sẽ nhận được câu trả lời là “những giọt nước mắt của Eusebio”. Hình ảnh huyền thoại người Bồ Đào Nha ôm mặt khóc nức nở rời sân, sau trận thua Anh 1-2 ở vòng bán kết thật ám ảnh. Hôm đó, Eusebio chính là người đã ghi bàn danh dự cho Bồ Đào Nha từ chấm phạt đền, sau khi họ bị đội chủ nhà dẫn 2 bàn với các pha lập công của Bobby Charlton. 
     
    Trước khi World Cup 1966 diễn ra, Eusebio được kỳ vọng sẽ tỏa sáng trên đất Anh. Ông tham dự giải với tư cách cầu thủ đang sở hữu danh hiệu cao quý Quả bóng vàng do tạp chí France Football bầu chọn. Nhưng không mấy ai có thể nghĩ Eusebio lại xuất sắc đến thế. 
     
    Tại kỳ World Cup năm ấy, Bồ Đào Nha chung bảng đấu với Bulgaria, Hungary và đặc biệt là Brazil. Eusebio và đồng đội thắng cả 3 trận. Đáng chú ý là ở lượt trận cuối cùng gặp Brazil, với Vua bóng đá Pele trong đội hình, “Báo đen” đã lập 1 cú đúp. Bồ Đào Nha giành chiến thắng 3-1, tiễn đội bóng xứ sở Samba về nước. 
     
    Qua đó, Bồ Đào Nha trở thành đội đã chấm dứt sự thống trị của bóng đá Brazil ở 2 kỳ World Cup trước đó. Ở trận tứ kết gặp Triều Tiên, Eusebio tiếp tục khiến cả thế giới choáng váng, với 4 bàn thắng, giúp Bồ Đào Nha ngược dòng ngoạn mục để giành vé vào bán kết.
     
    Một mình Eusebio đã không thể giúp ĐT Bồ Đào Nha giành quyền vào chung kết, đặc biệt khi đối thủ của họ ở bán kết là ĐT Anh với lợi thế rất lớn từ sự cổ vũ của CĐV nhà. Tuy nhiên, với 9 bàn thắng ghi được ở xứ sở sương mù, Eusebio vẫn giành danh hiệu Vua phá lưới. Sau này, khi nhắc đến “Báo đen”, CĐV Bồ Đào Nha vẫn tự hào cho rằng, thần tượng của mình mới là cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá thế giới, hơn cả Pele.
     

    CÚ HAT-TRICK CỦA GEOFF HURST

    Geoff Hurst trở thành người hùng dân tộc trong chiến thắng 4-2 của Anh tại trận chung kết. Một mình tiền đạo thuộc biên chế West Ham ghi 3 bàn vào lưới Tây Đức. Cho tới nay, Geoff Hurst vẫn là cầu thủ duy nhất lập hat-trick trong một trận chung kết World Cup.
     
    Trong lịch sử World Cup, từng có 3 danh thủ cũng sở hữu 3 bàn thắng trong các trận chung kết. Đó là Pele (Brazil) , Vava (Brazil) và Zidane (Pháp). Tuy nhiên cả ba cầu thủ trên đều phải chơi 2 trận chung kết mới tích lũy được 3 bàn thắng. Chỉ riêng Geoff Hurst ghi liền 3 bàn chỉ trong một trận.
     
    Geoff Hurst đã giúp ĐT Anh có được chức vô địch World Cup 1966
     
    Ngoài cú hat-trick vào lưới Tây Đức, Geoff Hurst còn ghi bàn duy nhất giúp Anh hạ Argentina 1-0 tại vòng tứ kết. Không đóng vai trò quan trọng bằng Bobby Moore hay Bobby Charlton, song những khoảnh khắc rực sáng của Geoff Hurst đã góp công lớn vào chức vô địch của Anh.
     
    Trong toàn bộ sự nghiệp, tiền đạo năm nay 76 tuổi đã ghi 24 bàn sau 49 lần khoác áo ĐT Anh. Điều thú vị là khi còn chơi bóng, Geoff Hurst cũng đồng thời là một VĐV có hạng trong môn cricket.
     
    Kinh Thi • 22:43 ngày 11/11/2022

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay