World Cup 1978: ĐT Argentina... phải vô địch!
TỔNG QUAN
Nước chủ nhà: Argentina
Thời gian diễn ra: 01/06 - 25/06
Đội tham dự: 16 đội
Vô địch: Argentina
Á quân: Hà Lan
Hạng 3: Brazil
Hạng 4: Italia
Vua phá lưới: Mario Kempes (Argentina, 6 bàn)
Cầu thủ xuất sắc nhất: Mario Kempes (Argentina)
Số trận đấu: 38
Bàn thắng: 102 (2,68 bàn/trận)
CÚP VÀNG QUÁ QUAN TRỌNG VỚI ARGENTINA
Nói rằng World Cup là quan trọng thì quá thừa thãi. Vấn đề ở đây là đối với chính quyền Argentina, chức vô địch World Cup 1978 sẽ giúp họ giải quyết hàng loạt vấn đề quan trọng bên ngoài bóng đá, từ cuộc sống thường nhật trong nước đến bộ mặt của cả đất nước trên trường quốc tế. Từ an ninh cho tới chính trị.
Chức vô địch World Cup 1978 đối với nhà độc tài quân phiệt Jorge Videla, Tổng thống Argentina trong giai đoạn 1976-1981, cũng quan trọng chẳng kém chức vô địch các kỳ World Cup 1934, 1938 đối với Mussolini ở Italia.
Theo Simon Kuper, tác giả cuốn “Football Against the Enemy”, thì Argentina phải chi đến 700 triệu USD “và 300 triệu USD ngoài kế hoạch” để có một kỳ World Cup thành công tại sân nhà. Nghĩa là 1 tỷ USD - ở thời điểm cách đây đến 36 năm!
Hai năm trước khi VCK World Cup 1978 khai diễn, tướng Videla chiếm được quyền lực sau một cuộc đảo chính thành công, lật đổ Isabel Peron. 15.000 đến 30.000 người hoạt động chính trị đã bị thủ tiêu, mất tích hoặc bị tra tấn dã man sau khi Videla chiếm ghế Tổng thống vào năm 1976.
Đấy là một giai đoạn cực kỳ khốc liệt, đẫm máu, trong đời sống xã hội Argentina. Bên ngoài, cộng đồng thế giới chỉ trích hoặc bày tỏ sự quan ngại về việc phải đến Argentina.
Chính quyền quân phiệt của Videla tự chỉ định một BTC World Cup. Vì một nguyên nhân không bao giờ được công bố nhưng ai cũng có thể suy đoán, trưởng BTC World Cup 1978, tướng Omar Actis, bị bắn hạ ngay trên đường đến dự cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị ấy!
Xét về thực lực, so với 2 nước láng giềng Brazil và Uruguay, Argentina không bao giờ phải hổ thẹn khi đọ sức trên sân cỏ. Vậy mà, mãi đến khi Brazil đã đoạt vĩnh viễn Cúp Jules Rimet, Uruguay đã có 2 lần vô địch World Cup, Argentina vẫn chỉ gần như trắng tay, với vỏn vẹn 1 danh hiệu Á quân ở đấu trường này. Họ cần vươn lên đỉnh cao để xứng tầm “ông lớn” trong thế giới bóng đá. Có nghĩa, cả về chuyên môn thì vẫn thấy rõ: Argentina “phải vô địch” World Cup 1978!
THẮNG 50-0 CŨNG VÔ ÍCH!
Ai cũng biết rằng trong thể thức đá vòng tròn thì loạt trận cuối dứt khoát phải diễn ra cùng giờ. Đương nhiên, FIFA càng biết như vậy. Chẳng qua, họ phớt lờ cho đội chủ nhà Argentina hoành hành tại vòng đấu bảng thứ hai của World Cup 1978.
Trong suốt vòng đấu ấy, khi nào Argentina cũng được thi đấu muộn hơn, và biết rõ phải làm gì. Ngược lại, cũng ở vòng này thì các trận đấu thuộc bảng còn lại luôn diễn ra cùng giờ! Cũng có tài liệu ghi rõ: chính FIFA đã chủ động đổi giờ trong bảng đấu của Argentina, để chủ nhà luôn được đá sau!
Hậu quả là khi bước vào trận đấu cuối cùng, gặp Peru, Argentina biết rõ họ phải thắng từ 4 bàn trở lên mới có vé dự trận chung kết. Trước đó, Brazil đã hòa Argentina 0-0 và thắng Peru 3-0 trong khi Argentina thắng Ba Lan 2-0. Trước khi Argentina gặp Peru thì Brazil đã gặp Ba Lan và thắng 3-1. Báo chí Brazil bình luận: “Thắng bao nhiêu cũng vô ích. Nếu Brazil thắng Ba Lan 50-0 thì Argentina sẽ thắng Peru 52-0”!
Trên thực tế, Argentina “chỉ” thắng Peru 6-0 và lọt vào trận chung kết gặp Hà Lan. Ở trận cuối cùng ấy,
đội Hà Lan đã bị làm tình làm tội, bằng đủ mọi tiểu xảo. Hai phút trước khi trận đấu kết thúc, Rob Rensenbrink (Hà Lan) có một pha dứt điểm dội cột. Tỷ số vẫn hòa, và Argentina thắng trong hiệp phụ. Báo chí đẩy tình huống có vẻ kịch tính ấy lên tận mây xanh: bóng mà vào lưới, lịch sử đã khác.
Rensenbrink “đi ở ẩn” sau khi giải nghệ. Có lần, người ta tìm được Rensenbrink và phỏng vấn lại tình huống ấy. Ông lắc đầu trước sự ngây thơ của giới cầm bút: “Thứ nhất, tôi đã biến một pha bóng không thể thành bàn thành một cú sút dội cột. Thứ hai, giả sử thành bàn đi nữa thì sẽ có thêm bao nhiêu phút bù giờ? Bao nhiêu cầu thủ Argentina ngã lăn, bao nhiêu quả phạt đền? Các ông ngây thơ đến thế là cùng”!
MÃI MÃI CHỈ LÀ NGHI ÁN
Dĩ nhiên, mọi chuyện mãi chỉ là nghi án. Ngay sau World Cup 1978, Argentina “viện trợ nhân đạo” cho Peru 35.000 tấn hạt ngũ cốc. Ngân hàng trung ương Argentina giải ngân 50 triệu USD cho một vài đối tác ở Peru. Hàng loạt tướng lĩnh Peru thì giải ngũ và hưởng cuộc sống như thiên đường nhờ đài thọ của quân đội Argentina. Những chuyện như thế, nói mãi cũng chẳng đi đến kết luận có ý nghĩa nào.
Dù sao đi nữa, cũng phải thừa nhận thế hệ của Mario Kempes, Ossie Ardiles, Danielle Passarella, Alberto Tarantini, Ubaldo Fillol trong đội hình vô địch World Cup 1978 của Argentina là xuất sắc và đồng đều.
Họ được dẫn dắt bởi HLV lão luyện Cesar Luis Menotti, và Menotti đủ bản lĩnh để cương quyết không chọn ngôi sao trẻ Diego Maradona vào danh sách dự VCK World Cup 1978, bất chấp áp lực nặng nề từ phía dư luận. Dĩ nhiên, Argentina vô địch và Menotti được ngợi ca. Nhưng nếu điều ngược lại xảy ra, thật khó hình dung số phận của nhà cầm quân này sẽ bi thảm thế nào?
Lần thứ 5 cho chủ nhà
Tại World Cup 1978, Argentina đã trở thành đội chủ nhà vô địch thứ 5 trong lịch sử, sau Uruguay (1930), Italia (1934), Anh (1966) và Tây Đức (1974). Từ đó cho tới nay, chỉ có thêm Pháp làm được điều tương tự, khi đăng cai và vô địch World Cup 1998.
Brandts -Vừa ghi bàn, vừa đốt lưới nhà
Bên cạnh việc là đội đầu tiên về nhì ở 2 VCK World Cup liên tiếp, Hà Lan còn sở hữu một kỷ lục thú vị nữa ở Argentina 1978. Trong trận gặp Italia, Hà Lan phải thắng mới được vào chơi trận chung kết. Hậu vệ Ernie Brandts của Hà Lan đã trở thành tội đồ khi đốt lưới nhà ở phút thứ 19.
Song đến phút 49, anh lại là người hùng với pha lập công giúp Cơn lốc cam gỡ hòa 1-1, trước khi Arie Haan ấn định chiến thắng 2-1 cho Hà Lan ở phút 76. Cho đến nay, Brandts vẫn là cầu thủ duy nhất trong lịch sử World Cup vừa ghi bàn, vừa đốt lưới nhà trong một trận đấu tại một VCK.