TỔNG QUAN
Nước chủ nhà: Italia
Nước chủ nhà: Italia
Thời gian diễn ra: 08/06 - 08/07
Số đội tham dự: 24 đội
CHUNG CUỘC
Vô địch: Đức
Á quân: Argentina
Hạng Ba: Italia
Hạng Tư: Anh
Số trận đấu: 52
Số bàn thắng: 115 (2,21 bàn/trận)
Vua phá lưới: Schillaci (Italia, 6 bàn)
Cầu thủ xuất sắc nhất: Schillaci (Italia)
NGƯỜI HÙNG VÔ DANH SCHILLACI
9 năm sau khi giành cú đúp Vua phá lưới và Cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 1990, “Toto” Schillaci mới giải nghệ. Vậy mà sự nghiệp của Schillaci chỉ gồm 16 lần khoác áo ĐTQG. Tổng cộng, tiền đạo này ghi được 7 bàn cho Azzurri. Nghĩa là, ngoài 6 bàn thắng ghi ở World Cup 1990 thì Schillaci chỉ có 1 bàn khác cho ĐTQG. Hãy cứ hình dung, xuất sắc nhất World Cup 1990 là một cầu thủ như thế, và cứ suy ra chất lượng chuyên môn của kỳ World Cup này là như thế nào!
Công bằng mà nói, Schillaci chơi rất thành công trong màu áo Juventus ở mùa giải 1989/90, và đấy là lý do khiến HLV Azeglio Vicini gọi anh vào ĐTQG. Nhưng sự thật là không nhiều người biết đến cái tên Schillaci trước thềm World Cup 1990. Cần lưu ý, vào thời ấy, các ngôi sao hàng đầu thế giới đều quy tụ về Serie A, khiến một cái tên tầm thường như Schillaci càng trở nên khiêm tốn. Trước khi đến Juventus ở tuổi 25, Schillaci chủ yếu chơi bóng ở đẳng cấp thấp.
Một chi tiết đáng lưu ý nữa, cặp tiền đạo ban đầu của Italia tại World Cup 1990 là Gianluca Vialli - tiền đạo số một Serie A thời điểm ấy và Andrea Carnevale - chân sút được Vicini ưu ái. Vì một hành động mang tính xúc phạm sau khi bị thay, Carnevale mới mất chỗ. Schillaci có dịp chứng tỏ trước các đối thủ cạnh tranh như Roberto Baggio, Aldo Serena hoặc Roberto Mancini, và anh tỏa sáng đúng lúc cần thiết.
NHỮNG MÀN TRÌNH DIỄN CHÁN NGÁN
Thật ra, người ta không chỉ nhìn vào những cái tên khiếm tốn để khẳng định chất lượng kém của World Cup 1990. Đấy còn là giải đấu gây thất vọng vì lối chơi thiên về phòng ngự phổ biến và thành công trong khi lối chơi thiên về tấn công thì vừa hiếm, vừa thất bại.
Rực rỡ như Hà Lan - ĐKVĐ châu Âu với Gullit, Van Basten, Rijkaard, Koeman trong đội hình - thì không thắng được trận nào. Brazil gục ngã ngay ở vòng 2. Pháp hoặc Đan Mạch thậm chí không được góp mặt ở VCK. Ireland ra sân chỉ để không thua chứ không cần chiến thắng, nhưng vẫn vào tận tứ kết dù... không thắng trận nào.
Ở đẳng cấp cao hơn, Argentina cũng luôn lộ rõ chủ trương thủ hòa, chờ đá luân lưu, trong suốt giai đoạn knock-out. Trên đường “bò” vào chung kết, Argentina phạm lỗi bình quân 1 lần trong 4 phút thi đấu, và có đến 4 cầu thủ bị treo giò ở trận cuối. Thậm chí, HLV từng đưa Argentina lên ngôi vô địch World Cup 1978, Luis Cesar Menotti cũng phải phàn nàn: “Tôi cảm thấy xấu hổ khi phải chứng kiến một đội tuyển Argentina như vậy”.
Có đến 4 trận phải phân cao thấp bằng loạt sút luân lưu 11m - kỷ lục mà chỉ có World Cup 2006 sánh bằng. Còn kỷ lục có đến 8 trận (tức phân nửa số trận ở giai đoạn knock-out) bất phân thắng bại sau 90 phút chính thức thì đến bây giờ vẫn chưa có kỳ World Cup nào sánh bằng.
THÚC ĐẨY CUỘC CÁCH MẠNG BÓNG ĐÁ
Bóng đá cũng giống như cuộc sống. Có những điều tích cực chỉ xuất hiện vì sự thay đổi bắt buộc, do hoàn cảnh trước đó đã trở nên quá tồi tệ. Chất lượng kém của World Cup 1990 hóa ra cũng có chỗ tích cực là vì vậy. Đấy là kỳ World Cup cuối cùng mà FIFA tính 2 điểm cho 1 trận thắng.
Kể từ World Cup 1994, một trận thắng đem về 3 điểm, bằng 3 trận hòa. Đấy dĩ nhiên là một cuộc cách mạng để khuyến khích bóng đá tấn công mà vẫn như mọi khi, FIFA chỉ... học hỏi một cách trễ tràng. Quy định cấm thủ môn dùng tay bắt bóng khi đồng đội dùng chân chuyền về, quy định phạt thẻ đỏ trực tiếp với cầu thủ chuồi trái phép từ phía sau, cùng tinh thần chung là phạt nghiêm khắc với các hành vi phản fair-play... đều là hệ quả đến từ những hình ảnh tiêu cực trên sân cỏ World Cup 1990.
Với riêng Brazil, người ta cho rằng đấy là kỳ World Cup tệ nhất trong lịch sử đội bóng nổi tiếng này. Hàng loạt thay đổi quan trọng đã diễn ra đồng bộ trong làng bóng Brazil, để rồi Selecao lập tức đăng quang ở World Cup 1994. Ngược lại, chức vô địch dường như khiến người Đức tự ru ngủ mình. Họ thất bại ở các lần giải kế tiếp với hình ảnh rất già nua, cũ kỹ.
Argentina vẫn bám víu vào Maradona đến tận World Cup 1994, giải đấu mà tượng đài này bị đuổi vì doping. Cũng từ World Cup 1990 đến nay, Argentina và Đức (rất thành công trong giai đoạn 1978-1990) chưa bao giờ trở lại được ngôi vô địch.
CON SỐ
517 phút trắng lưới của Walter Zenga
Tại World Cup 1990, thủ thành Walter Zenga của đội chủ nhà Italia đã lập kỷ lục giữ trắng lưới 517 phút liên tiếp (5 trận). Chuỗi thành tích này bắt đầu từ vòng bảng, nơi Azzurri giữ sạch lưới trước Tiệp Khắc, Áo và Mỹ. Zenga sau đó tiếp tục sạch lưới trong các trận thắng Uruguay 2-0 ở vòng 1/8 và Ireland 1-0 tại tứ kết, trước khi bị Claudio Caniggia (Argentina) đánh bại ở bán kết.
Kỷ lục 517 phút này đã đứng vững qua 5 VCK World Cup 1994, 1998, 2002, 2006 và 2010. Tuy nhiên, thủ thành Iker Casillas của Tây Ban Nha đang có cơ hội xô đổ cột mốc ấy khi đã có 411 phút giữ sạch lưới liên tiếp.
1 CH Ireland trở thành đội đầu tiên trong lịch sử lọt vào tứ kết World Cup mà không thắng trận nào.
2 Có tới 2 cầu thủ bị đuổi trong trận chung kết World Cup 1990 giữa Argentina và Tây Đức. Đó là Pedro Monzon và Gustavo Dezotti, đều của ĐT Argentina.
3 Đức lập kỷ lục 3 lần liên tiếp lọt vào trận chung kết, sau những thất bại trước Italia và Argentina các năm 1982 và 1986.
Giọt nước mắt của Maradona
Dù khá buồn tẻ, Italia 1990 vẫn là giải đấu có khá nhiều điểm nhấn. Đó là sự quật khởi của Cameroon, tảng bê-tông Ireland hay việc Franz Beckenbauer trở thành người thứ hai sau Mario Zagallo vô địch World Cup trên cả cương vị cầu thủ lẫn HLV. Nhưng điểm nhấn đáng nhớ nhất phải là những giọt nước mắt của Diego Maradona.
Sau khi giúp Argentina vô địch World Cup 1986, gần như một mình Cậu bé vàng đưa Albiceleste vào chung kết World Cup 1990. Chỉ có điều, đội bóng Nam Mỹ gục ngã trước ĐT Đức hùng mạnh và hình ảnh Maradona bật khóc sẽ mãi ám ảnh các CĐV.
Sau khi giúp Argentina vô địch World Cup 1986, gần như một mình Cậu bé vàng đưa Albiceleste vào chung kết World Cup 1990. Chỉ có điều, đội bóng Nam Mỹ gục ngã trước ĐT Đức hùng mạnh và hình ảnh Maradona bật khóc sẽ mãi ám ảnh các CĐV.
ĐT Cameroon làm rạng danh châu Phi
Xuất sắc đứng đầu bảng B có sự góp mặt của Argentina, Romania và Liên Xô, rồi vượt qua Colombia trong hiệp phụ ở vòng 1/8, Cameroon đã trở thành đội bóng châu Phi đầu tiên lọt vào tứ kết World Cup. Dẫu hành trình của họ bị chặn lại bởi người Anh, đó vẫn là giải đấu tuyệt vời của Roger Milla cùng đồng đội. Và cũng nhờ sự xuất sắc của Cameroon và Ai Cập (hòa Hà Lan, Ireland, thua Anh ở bảng F), FIFA đã nâng số đại diện của châu Phi ở World Cup từ 2 lên 3 đội tại USA 1994.