TỔNG QUAN
Nước chủ nhà: Nhật Bản & Hàn Quốc.
Thời gian diễn ra: 31/05 - 30/06
Số đội tham dự: 32
Số trận thi đấu: 64
Số bàn thắng: 161 (trung bình 2,52 bàn/trận)
Tổng số khán giả: 2.705.197 lượt người (42.269 người/trận)
CHUNG CUỘC
Vô địch: Brazil
Á quân: Đức
Hạng Ba: Thổ Nhĩ Kỳ
Vua phá lưới: Ronaldo (Brazil: 8 bàn)
Cầu thủ xuất sắc nhất: Oliver Kahn (Đức)
TIẾNG CÒI MÉO LÀM NHƠ BẨN WORLD CUP 2002
Trong một khách sạn nhỏ ở vùng ngoại ô Buenos Aires, một quan chức của LĐBĐ Hàn Quốc có cuộc gặp bí mật với vị trọng tài người Argentina, Angel Sanchez. Đó là ngày 7/6/2002, một tuần trước khi Sanchez cầm còi trận Bồ Đào Nha - Hàn Quốc tại vòng bảng World Cup 2002.
Đấy là lượt đấu cuối cùng mang tính sống còn. Một thất bại có thể khiến Hàn Quốc sớm dừng cuộc chơi. Và bi kịch đó đã không (thể) xảy ra. Vị trọng tài người Argentina rút liền 2 thẻ đỏ cho Joao Pinto và Beto khiến Bồ Đào Nha chỉ còn 9 người từ phút 66. Trong đó chiếc thẻ đỏ của Pinto đến từ tình huống phạm lỗi chẳng mấy nghiêm trọng. Chơi thiếu 2 người, Bồ Đào Nha không thể bịt kín mọi lỗ hổng. Và bàn thắng duy nhất của Park Ji-sung đã đưa đội chủ nhà vượt qua vòng bảng.
Cả châu Âu choáng váng vì chiến thắng gây sốc của Hàn Quốc. Người Bồ Đào Nha thì uất hận, còn người Italia (đối thủ của Hàn Quốc tại vòng 1/8) thì bắt đầu cảm thấy dấu hiệu không lành. “Trước giờ bóng lăn, tôi đã lường tới kịch bản xấu khi Nhật Bản (đội chủ nhà còn lại) bị loại chỉ vài giờ trước. Tôi đã nói với trợ lý HLV Pietro Ghedin rằng đó là dấu hiệu xấu. Và rồi mọi thứ đúng như tôi lo ngại”, cựu HLV trưởng ĐT Italia, Giovanni Trapattoni kể lại.
Trên sân Daejeon, Italia đã bị loại một cách tức tưởi. Một scandal đáng hổ thẹn mang tên Byron Moreno. Vị trọng tài người Ecuador thiên vị Hàn Quốc một cách trơ trẽn. Hàng loạt pha vào bóng thô bạo của cầu thủ chủ nhà nhắm vào Paolo Maldini, Zambrotta, Del Piero được trọng tài làm ngơ.
Hai bàn thắng hợp lệ của Vieri và Tommasi bị Moreno từ chối. Đỉnh điểm của sự bất công là chiếc thẻ đỏ dành cho Totti vào phút 103. Tiền vệ Roma bị đốn ngã thô bạo trong vòng cấm. Không có phạt đền cho Italia thay vào đó là chiếc thẻ vàng thứ hai cho Totti vì lỗi ăn vạ.
Với sự trợ giúp “nhiệt tình” của trọng tài, Hàn Quốc cuối cùng ghi được bàn duy nhất từ pha đánh đầu của Ahn Jung-hwan. “Một chiến thắng bẩn thỉu”, tờ La Gazzetta dello Sport giật tít. Moreno trở thành kẻ thù của nước Ý. Chỉ vài tháng sau, Moreno bị LĐBĐ Ecuador treo còi 20 trận vì tham gia dàn xếp tỷ số ở giải vô địch nước này. Vài năm sau, Moreno được mời sang Italia tham dự một show truyền hình. Tại đây vị trọng tài người Ecuador đã thừa nhận việc cố tình thổi ép Italia để giúp Hàn Quốc tiến sâu.
Byron Moreno không chỉ vướng bê bối trên sân cỏ. Vị trọng tài từng thiên vị Hàn Quốc trong trận đấu với Italia còn sa vào con đường tù tội. Ngày 21/9/2010, Moreno bị cảnh sát bắt tại sân bay quốc tế John F. Kennedy (New York) vì giấu 6kg heroin trong quần lót. Trong phiên tòa vào tháng 9/2011, vị trọng tài người Uruguay bị kết án 2 năm rưỡi tù giam vì tội buôn lậu heroin. Moreno ngồi tù 26 tháng thì được trả tự do, trở về Ecuador.
Năm 2015, chiến dịch truy quét tham nhũng của FIFA đã “lòi” ra một bí mật đen tối tại World Cup 2002. Jack Warner, cựu chủ tịch LĐBĐ CONCACAF, thừa nhận là người chỉ định Gamal Al-Ghandour cầm còi trận tứ kết giữa Tây Ban Nha và Hàn Quốc. “Phần thưởng” cho vị trọng tài Ai Cập là một chiếc xe hơi cáu cạnh.
Vậy Al-Ghandour đã làm gì để được trả công một chiếc xe hơi? Ông trọng tài người Ai Cập từ chối hai bàn thắng mười mươi của Tây Ban Nha. Các cầu thủ Hàn Quốc tha hồ chơi thô bạo với 22 pha phạm lỗi, nhưng chỉ phải nhận duy nhất một thẻ vàng. Sự ức chế dồn nén khiến người Tây Ban Nha gục ngã trên chấm luân lưu 11 mét.
Hàn Quốc tiếp tục được trọng tài ủng hộ trong trận bán kết với Đức. Nhưng “cầu thủ áo đen” bất lực trước đẳng cấp vượt trội của người Đức. Đội chủ nhà khép lại kỳ World Cup vang dội, về thành tích hay bê bối? Hãy để lịch sử trả lời.
SỰ ĐỀN BÙ THOẢ ĐÁNG CHO RONALDO
Nếu như trận chung kết World Cup 1998 là cơn ác mộng cho Ronaldo thì 4 năm sau là câu chuyện ngược lại hoàn toàn. Tiền đạo có mái tóc “móng lừa” độc đáo ghi cả hai bàn thắng giúp Brazil đăng quang.
Trên thực tế,
Ronaldo tới World Cup 2002 trong nhiều ánh mắt nghi ngờ. Bởi “Người ngoài hành tinh” vừa trải qua mùa giải khó khăn ở Inter với những chấn thương và sa sút phong độ. Có thể nói, Ronaldo của World Cup 2002 không nhận được nhiều kỳ vọng so với kỳ World Cup bốn năm trước. Nhưng mọi thứ lại đổi chiều. Chính trên đất châu Á, Ronaldo đã trình diễn phong độ đỉnh cao với 8 bàn thắng kèm danh hiệu Vua phá lưới.
Trở lại với trận chung kết, Đức mới là đội nhập cuộc tốt hơn trong những phút đầu. Tuy nhiên, sự khác biệt dần phơi bày khi những Rivaldo, Ronaldinho, Ronaldo vào guồng. Thủ thành Oliver Kahn đã có hiệp đầu xuất sắc khi cản phá nhiều pha dứt điểm nguy hiểm của Brazil.
Nhưng điều phải đến đã đến với đội bóng mạnh hơn toàn diện. Phút 67, Rivaldo sút căng khiến Kahn bắt bóng không dính, và Ronaldo đã ập vào kịp thời mở tỷ số. Không lâu sau đó, vẫn là “Người ngoài hành tinh” dứt điểm hiểm hóc ấn định chiến thắng 2-0.
Đức dù chơi rất kỷ luật và gắn kết, nhưng họ không thể ngăn cản phong độ sung mãn của Ronaldo. Sau này Ronaldo tiết lộ một trong những lý do giúp anh bùng nổ tại World Cup 2002 là nhờ…mái tóc “móng lừa” độc đáo. Tiền đạo sinh năm 1976 khi đó chịu áp lực rất lớn sau một mùa giải kém cỏi ở Inter. Bản thân Ronaldo thừa nhận “tôi chỉ có 60% phong độ khi tới World Cup”. Nhằm đánh lạc hướng dư luận, Ronaldo quyết định để một kiểu tóc thật lạ đời để thu hút sự chú ý.
Và quả thật ở World Cup 2002, báo giới chỉ săm soi kiểu tóc “móng lừa” xấu xí của Ronaldo. Khi ít bị bàn tán hơn về phong độ, “Người ngoài hành tinh” có tâm lý thoải mái để phô diễn hết tài năng.
ẤN TƯỢNG PHA HY SINH CỦA BALLACK
Sự hy sinh của Michael Ballack đã giúp một đội Đức què quặt đi vào tới tận chung kết World Cup 2002. Dù không giành danh hiệu nào cùng Mannschaft, nhưng Ballack xứng đáng là vị thủ lĩnh vĩ đại của bóng đá Đức.
Oliver Kahn là thủ quân ĐT Đức, đồng thời cũng được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất VCK World Cup 2002, dù mắc sai lầm nghiêm trọng ở trận chung kết. Nhưng lẽ ra Kahn đã chẳng thể cùng các đồng đội đứng hát quốc ca trước trận cuối cùng của giải, nếu không có sự hy sinh cao cả vì toàn đội của Ballack.
Ballack đã ghi bàn duy nhất giúp Đức thắng Mỹ 1-0 tại tứ kết. Nhưng đỉnh điểm của cảm xúc là ở bán kết, khi Đức gặp đội đồng chủ nhà Hàn Quốc. Đó là tình huống ở cuối hiệp 2, tiền đạo Lee Chun-soo cầm bóng đột phá, trung tâm hàng thủ Đức đang có nguy cơ bị chọc thủng. Ballack xuất hiện, thực hiện pha phạm lỗi với tiền đạo trẻ Hàn Quốc trước khi các đồng đội bị đe dọa.
Thẻ vàng cho Ballack là xứng đáng, nhưng vì thế mà tiền vệ này bị treo giò ở trận tiếp theo. Chỉ 4 phút sau chiếc thẻ vàng vì pha bóng liều mình ấy, Ballack biến trận đấu anh phải vắng mặt thành trận chung kết. Ballack thực hiện 2 cú sút liên tiếp để đánh bại thủ môn Hàn Quốc, ghi bàn thắng duy nhất. Ballack vẫn rất hào hứng khi ăn mừng bàn thắng đó. Nhưng khi tan trận, chàng trai 26 tuổi khi ấy khóc như mưa trong phòng thay đồ của Mannschaft.
“Đó là thời điểm tôi hiểu cảm giác của Laurent Blanc 4 năm trước. Lúc đó, tôi cũng rất buồn cho anh ấy, nhưng không ngờ mình chính là nạn nhân tiếp theo”, Ballack vẫn sụt sùi khi nhắc lại kỷ niệm đó nhiều năm sau. Blanc năm 1998 (nhận thẻ đỏ ở bán kết) và Ballack năm 2002 đều là những trụ cột quan trọng bậc nhất, thủ lĩnh của toàn đội, nhưng những chiếc thẻ phạt tai họa đã ngăn họ được đá trận đấu quan trọng nhất đời cầu thủ.
Blanc còn được an ủi bởi dù vắng trung vệ này, ĐT Pháp vẫn lên ngôi vô địch thế giới năm 1998. Còn Ballack, anh đã phải làm khán giả ở trận đấu mà ĐT Đức cần mình nhất, rồi chứng kiến các đồng đội gục ngã trước kình địch Brazil.
Sự nghiệp của Ballack là hàng loạt kỷ niệm buồn ở các trận chung kết. Nhưng không lần nào đáng để các CĐV Đức phải ngưỡng mộ như giải đấu tại châu Á năm 2002, Ballack đã hy sinh cơ hội đá trận chung kết World Cup duy nhất trong đời cầu thủ để giúp toàn đội có vinh dự ấy!
Nhà ĐKVĐ tệ hại nhất
Trong 4 VCK World Cup gần nhất trước đó, thì đã có tới 3 nhà ĐKVĐ phải chia tay giải đấu ngay sau vòng bảng. Tây Ban Nha 2014 và Italia 2010 đều đã phải về nước sớm khi đang là nhà ĐKVĐ thế giới, trước đó có Italia 1950 và Brazil 1966. Nhưng chưa có nhà ĐKVĐ nào tệ hơn Pháp năm 2002.
Pháp sở hữu đội hình toàn sao, bao gồm Zinedine Zidane ở đỉnh cao phong độ (nhưng bị chấn thương trước giải), có 3 Vua phá lưới trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu vừa kết thúc trước đó là David Trezeguet (Serie A), Thierry Henry (Premier League) và Djibril Cisse (Ligue 1).
Thế nhưng ngay trận ra quân, Pháp bị Senegal lần đầu dự World Cup đánh bại với tỷ số 1-0. Trận tiếp theo, Les Bleus bị Uruguay cầm hòa 0-0. Chỉ đến trận chót vòng bảng, Zidane mới kịp bình phục chấn thương để thi đấu, nhưng Pháp vẫn thua Đan Mạch 0-2, phải về nước trong nỗi ê chề khi không ghi nổi bàn thắng nào.
ĐỘI HÌNH TIÊU BIỂU