Mỗi ngày trôi qua, chúng ta lại thấy nhan nhản những kiểu bình luận như thế từ giới bóng đá, khi nhìn vào thành phần ĐTQG của họ. Cựu danh thủ David Ginola bảo ĐT Pháp lẽ ra phải triệu tập ngôi sao Samir Nasri, vì tai tiếng về kỷ luật trong quá khứ không liên quan gì đến tài năng của ngôi sao này. Sol Campbell thì cho rằng ĐT Anh vừa quá trẻ, lại vừa... quá già: “Không có chút cân bằng nào. Có quá nhiều cầu thủ trên 28 tuổi, và lại có quá nhiều thủ trẻ”.
Nặng thì chỉ trích, dè bỉu, nhẹ thì khuyến cáo, góp ý xây dựng. Nhưng tóm lại, cứ mỗi khi gút danh sách đội tuyển là giới cầm quân phải chịu đựng vô vàn áp lực. Gần như cả nước Brazil, gồm cả Tổng thống Fernando Henrique Cardoso, kêu gọi HLV Felipe Scolari đưa Romario vào danh sách đội tuyển Brazil tại World Cup 2002, nhưng ông phớt lờ: “Brazil có khoảng 180 triệu HLV. Mỗi người dân đều tự xem mình như HLV ĐTQG”.
Thật ra, đấy chẳng phải là đặc điểm riêng của Brazil. Phớt lờ dư luận để tập trung vào việc chuyên môn của mình đã là điều không dễ. Chọn người theo nhãn quan riêng, đi ngược với suy nghĩ chung của thiên hạ, để rồi thành công, càng là việc khó.
HLV Luis Cesar Menotti can đảm gạt ngôi sao trẻ Diego Maradona ra khỏi đội hình trước khi vô địch World Cup 1978. Người kế nhiệm Menotti là Carlos Bilardo cũng can đảm bỏ luôn thủ quân Daniel Passarella trên đường tiến đến chức vô địch World Cup 1986. Enzo Bearzot bất ngờ tin dùng Paolo Rossi và vô địch World Cup 1982.
Sau này, người ta hết lời khen ngợi Zinedine Zidane và các cầu thủ xung quanh trong đội hình vô địch World Cup 1998 của Pháp. Nhưng trước đó không lâu, tất cả đều không nổi tiếng bằng David Ginola và Eric Cantona. Thành công của HLV Aime Jacquet khởi đầu từ việc bỏ hẳn 2 ngôi sao nổi tiếng nhất của bóng đá Pháp một cách quyết đoán. Scolari đưa một Brazil không có Romario lên ngôi vô địch World Cup 2002 (sau khi Mario Zagallo cũng không dùng Romario và vào chung kết World Cup 1998).
Tất nhiên, chẳng phải ai cũng thành công. Với những trường hợp thất bại, thiên hạ sẽ chỉ vào các quyết định gây tranh cãi của họ và tha hồ phê phán. Rõ khổ. HLV Roy Hodgson của ĐT Anh tuyên bố ông sẽ phớt lờ mọi sự khuyến cáo, góp ý, chỉ trích trước thềm World Cup. Ông nói luôn: “Mỗi người mỗi việc. Tôi chẳng quan tâm cho lắm nếu người ta chỉ vào các cầu thủ của tôi, khen cầu thủ này hoặc chê cầu thủ khác”.