Nhưng nhắc đến Duy Mạnh cũng là nhắc đến một hình ảnh đanh đá dưới nền tuyết trắng ở Thường Châu, Trung Quốc khi đối đầu với những gã khổng lồ bên phía Uzbekistan; và cũng không thể không nhắc đến hình ảnh cúi đầu lịch sử trước lá cờ Việt Nam tại VCK U23 châu Á lịch sử.
Mạnh “bột” và hành trình đến bóng đá chuyên nghiệp
Duy Mạnh là con út trong gia đình nên được chiều chuộng. Từ tấm bé, cậu đã được ăn no, ngủ kĩ, mọi việc đều được bố mẹ và anh chị lo. Chính vì vậy, cậu nhóc sinh năm 1996 thoải mái theo đuổi đam mê trái bóng tròn. Thậm chí nhiều khi đi ngủ, Duy Mạnh cũng ôm khư khư quả bóng, bố mẹ thấy có chút bất tiện nhưng cũng chiều con. “Nếu không đi học thì thôi, về nhà là nó lại ôm khư khư trái bóng, thậm chí mang cả vào giường ngủ”, bà Lê Thị Lan - mẹ của Duy Mạnh kể lại thời ấu thơ khi ấy.
Khi còn là cậu nhóc bé xíu, Duy Mạnh đã giống như nhiều đứa trẻ khác, chọn cho mình một thần tượng để “ước mơ vươn đến một ngôi sao”. Cristiano Ronaldo của đội tuyển Bồ Đào Nha là cầu thủ khiến Duy Mạnh mê mẩn. Chàng tiền vệ trẻ này kể: “Tôi mê Ronaldo vì anh ấy đá bóng giỏi, đẹp trai và nổi tiếng. Cả lớp bóng đá của tôi ở huyện Đông Anh (Hà Nội) khi ấy, đứa nào cũng mê Ronaldo và mơ ước một ngày sẽ được như anh ấy. Đến giờ, Ronaldo vẫn là thần tượng để tôi vươn tới”.
Duy Mạnh thần tự Cristiano Ronaldo từ tấm bé
“Ronaldo không chỉ đá bóng giỏi, anh còn là hình mẫu của một cầu thủ chuyên nghiệp, giàu khát vọng với ý chí chiến đấu vô cùng lớn. Mọi cầu thủ đều nên học hỏi Ronaldo, từ chế độ ăn uống cho đến tập luyện. Cũng vì thế mà dù đã 33 tuổi, Ronaldo vẫn đang ở đỉnh cao của nghiệp quần đùi áo số”, Duy Mạnh chia sẻ.
Vì mê Ronaldo nên Duy Mạnh hầu như không bao giờ bỏ sót trận đấu nào của thần tượng. Thậm chí, những chiếc áo ngày xưa mặc thi đấu ở đội bóng nhi đồng quê nhà và căn phòng của Mạnh ở nhà đều ngập tràn hình ảnh của thần tượng. Cũng vì mê Ronaldo nên những ngày đầu chập chững bước vào bóng đá chuyên nghiệp, Duy Mạnh đã đá ở vị trí tiền vệ cánh. Tuy nhiên, sau này các HLV thường xếp Duy Mạnh chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm vì khả năng bao quát tốt. Từ khi chuyển sang thi đấu ở vai trò này, cựu đội trưởng tuyển Việt Nam - Nguyễn Minh Phương chính là tấm gương để Duy Mạnh nhìn vào học hỏi, như chính anh bày tỏ.
Từ một cầu thủ nhí của huyện Đông Anh, Duy Mạnh đã được chọn lên lớp bóng đá năng khiếu của thành phố Hà Nội vào cuối năm 2006, lúc mới 10 tuổi. Đây là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của anh khi phải xa nhà, bước vào đời sống tự lập của một cầu thủ. Dù không muốn con sống xa gia đình nhưng chiều cậu út nên bố mẹ Duy Mạnh để em được tự quyết.
Năm 2013, từ trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội, Đỗ Duy Mạnh được chuyển sang chơi bóng ở các đội trẻ của CLB Hà Nội. Theo đó, cái tên Đỗ Duy Mạnh bắt đầu được chú ý đến ở đội tuyển U19 Việt Nam cùng những đồng đội Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… của lứa HAGL.
Hiện tượng Phù Đổng thời @
Tất nhiên, xét về độ nổi tiếng, Duy Mạnh khó có thể sánh với Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường trong đội hình U19 Việt Nam. Nhưng khi trở về CLB, Duy Mạnh lại là cầu thủ có xuất phát điểm tốt hơn trong lứa U19 được sử dụng tại V.League 2015. Thậm chí năm ấy, anh còn được gọi là hiện tượng của mùa giải.
Duy Mạnh trưởng thành rất nhanh trên chặng đường sự nghiệp
Trước thềm mùa giải 2015, Duy Mạnh được HLV Phan Thanh Hùng đôn lên đội một Hà Nội, lúc đó còn là Hà Nội T&T. Vui nhưng cầu thủ sinh năm 1996 cho biết thời điểm đó chỉ dám mơ ngồi để học hỏi đàn anh, vào sân ít phút khi các trận đấu đã được định đoạt. Trong trận đấu đầu tiên của V.League 2015, bố mẹ, anh chị em Duy Mạnh nô nức kéo về sân Hàng Đẫy theo dõi trận đấu giữa Hà Nội T&T và ĐTLA dù biết con trai ít có cơ hội ra sân. Bất ngờ, Văn Hiếu chấn thương, do không còn người đá tiền vệ trung tâm, HLV Phan Thanh Hùng đã tung Duy Mạnh vào sân và lập tức cầu thủ này tỏa sáng với bàn thắng gỡ hòa 1-1.
“Lúc Duy Mạnh ghi bàn, tôi và mẹ nó ôm nhau khóc. Mãi mãi tôi không bao giờ quên được bàn thắng đầu tiên của con trai tôi ở đấu trường V.League”, ông Đỗ Nghi Thuy, bố Duy Mạnh bồi hồi nhớ lại.
Sau khởi đầu như mơ ấy, Duy Mạnh băng băng tiến về phía trước. Anh có một suất đá chính ở Hà Nội T&T, và cũng được HLV Miura coi là trụ cột ở Olympic Việt Nam, U23 Việt Nam và đặc biệt là ĐTQG; chinh chiến hết cả V.League, Cúp QG, SEA Games, vòng loại World Cup… thậm chí là cả giải U21 Quốc tế. Tất nhiên, song song với đó, bảng thành tích của anh cũng ngày một đồ sộ, từ cấp CLB, đội trẻ quốc gia cho đến danh hiệu cá nhân xuất sắc.
Chỉ cúi đầu trước cờ Tổ quốc, không cúi đầu trước đối thủ
Tính tình Duy Mạnh cũng vô cùng dễ thương, luôn có chút gì đó bẽn lẽn, ngượng ngùng. Mỗi khi được nghỉ, không phải đá bóng, cậu lại rủ chúng bạn la cà ngắm phố xá hoặc đóng cửa chơi điện tử. Tiền vệ sinh năm 1996 ngại tiếp xúc với người lạ, anh thường xuyên không nghe điện thoại khi các số lạ gọi tới.
Mạnh "bột" không dễ bị "bắt nạt" ở trên sân
Nhưng ở trên sân, anh trở thành một chiến binh… đanh đá một cách bất ngờ. Đó là Ở trận chung kết với Uzbekistan phút thứ 35, giữa Duy Mạnh và cầu thủ đội bạn là Odiljon Xamrobekov đã nổ ra tranh cãi dẫn đến việc hai đội không giữ được cái đầu nóng.
Lý giải đằng sau câu chuyện này, Duy Mạnh chia sẻ: “Đó là tình huống mà U23 Uzbekistan tấn công. Đồng đội của tôi là Đình Trọng tranh chấp với cầu thủ mang áo số 9 bên phía đội bạn. Hai người va chạm với nhau rất mạnh. Tôi liền quay về xem Trọng có sao không rồi sau đó giữ quả bóng lại để đội bạn không tấn công được ngay. Một cầu thủ Uzbekistan đã xông đến tôi để lấy bằng được trái bóng. Trong khi đó tôi muốn làm chậm trận đấu lại để các cầu thủ Việt Nam về hết phần sân nhà.
Sau đấy cả hai đã lời qua tiếng lại. Cầu thủ đội bạn đã va chạm với tôi. Tôi cũng phản ứng rất quyết liệt. Với tôi thì khi ấy sự tranh chấp là cần thiết. Tôi cũng muốn đồng đội mình mạnh mẽ hơn để tránh đội bạn gây sức ép về tinh thần. Sự đanh đá của tôi khi ấy là cần thiết”.
Duy Mạnh đang là tài năng trẻ sáng giá của bóng đá Việt Nam
Luôn là một Duy Mạnh hiên ngang trên sân cỏ như thế. Ý chí ngoan cường và sự mạnh mẽ của Duy Mạnh khiến đồng đội luôn yên tâm nơi hậu phương của đội tuyển. Nhưng sẽ thật thiếu sót nếu quên mất một hình ảnh đẹp trong mưa tuyết trắng xóa ở Thường Châu nửa năm về trước. Hình ảnh Duy Mạnh cắm lá cờ trên đụn tuyết nhô cao ở Thường Châu sau trận chung kết giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan có thể xem như đoạn kết ấn tượng cho một hành trình lịch sử của đội bóng ở VCK U23 châu Á 2018.
Cho đến thời điểm này, dù trận đấu ấy đã trôi qua nhiều ngày nhưng khoảnh khắc Duy Mạnh cúi đầu chào quốc kỳ vẫn in sâu trong tâm trí của người dân Việt Nam.
“Đó là một trận đấu mà U23 Việt Nam rất tiếc nuối, khi không thể đến được đích đến cuối cùng. Lúc đó tôi đã khóc, cảm thấy tiếc vì thua trận”, Duy Mạnh chia sẻ.
“Dẫu vậy tôi vẫn cảm thấy tự hào khi nhận được sự động viên rất lớn của người hâm mộ Việt Nam trên sân Thường Châu. Tôi nghĩ rằng U23 Việt Nam đã chiến thắng trong lòng cổ động viên nước nhà. Tôi đã cắm lá cờ trên một đụn tuyết. Trước cờ Tổ quốc, tôi đã cúi đầu trước khán giả và tri ân lá cờ Việt Nam. Tôi muốn nói rằng, dù có thua cuộc thì chúng tôi cũng chỉ cúi đầu trước cờ Tổ quốc, chứ không chịu cúi đầu trước bất cứ đối thủ nào”, Duy Mạnh khẳng định.