Vừa kết thúc trận Đức-Algeria tại vòng 1/8, tôi nhận được tin nhắn từ anh bạn Djilalih “may cho Pháp nhé, không phải gặp Algeria”. Djilalih là người Pháp, nhưng gốc Algeria. Cậu đến Pháp từ nhỏ cùng gia đình và sau hơn 20 năm ở Pháp, Djilalih là người Pháp như bao người Pháp khác. Nhưng Djilalih vẫn thích là người Algeria hơn. Giống như những Sofian Feghouli, Brahimi, Ghoulam… anh bạn Djilalih này là đại diện không nhỏ cho một thế hệ trẻ mang hai quốc tịch Pháp-Algeria nhưng luôn lựa chọn Algeria như quê hương của mình dù nhiều người sinh ra và lớn lên từ nhỏ trên đất Pháp.
Pháp-Algeria là một câu chuyện dài về lịch sử, về sự gắn kết, có cả yêu thương lẫn hận thù. Thời thực dân, Algeria nằm trực tiếp, như một tỉnh, thuộc nước Pháp lục địa. Nhiều người Pháp da trắng sinh ra, lớn lên ở Algeria sau này nổi danh khắp nơi như Albert Camus, Yves Saint Laurent. Không ít người ở lại chiến đấu chống lại nước Pháp để giành độc lập cho Algeria. Cùng lúc đó, rất nhiều người Algeria lại vượt Địa Trung Hải sang Pháp sinh sống nhưng lại không bao giờ thừa nhận nước Pháp như là quê hương. Tâm thế đó hiện vẫn là chủ đạo trong cộng đồng hơn 2 triệu người Algeria trên đất Pháp.
Quay lại với World Cup, Pháp không gặp Algeria ở tứ kết đúng là điều may mắn. Trước hết về mặt an ninh. Từ vòng bảng, sau mỗi trận đấu của Algeria là lại có vài vụ đốt xe, đập phá của các CĐV Algeria tại Pháp. Người Pháp ăn mừng ĐT Pháp thì chỉ hò reo, chạy vài cái xe ra đường. Người Pháp gốc Algeria ăn mừng ĐT Algeria thắng thì diễu hành cả đại lộ Champs-Elysees, nhảy múa thâu đêm và khi rượu vào thì quay ra gây sự với cảnh sát, đốt phá xe cộ. Nếu Pháp mà gặp Algeria tại tứ kết World Cup, một sự kiện lịch sử với cả hai, sự căng thẳng về an ninh trên đất Pháp là khó có thể tưởng tượng.
Nhưng Pháp may không gặp Algeria nguyên nhân chính có thể cũng chỉ đơn thuần là bóng đá. Nhìn vào lối đá vô hồn, sợ sệt của ĐT Pháp trong 75 phút trận gặp Nigeria và 120 phút quả cảm của Algeria trước Đức thì không một CĐV Pháp-Algeria (hay Algeria-Pháp) nào dám lạc quan cho thầy trò Deschamps. Với nhiều cầu thủ thực ra là “Pháp”, được đào tạo từ bé trong các lò của Pháp (Feghouli ở Grenoble, Brahimi ở Rennes…) số còn lại đa số chơi ở Ligue 1, Ligue 2, Algeria giống như một đội “Pháp B”, quá hiểu bóng đá Pháp và sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với Nigeria. Quan trọng hơn cả là tâm lý. Trận đấu với Nigeria cho thấy, Les Bleus chưa đủ tầm để chơi bóng với tư thế một đội bóng lớn. Họ không biết đá “cửa trên”. Trừ Honduras quá yếu, khi phải ở chiếu trên Pháp đã chơi rất bế tắc trước Ecuador và Nigeria. Trận gặp Thụy Sỹ hoàn toàn ngược lại, khi Thụy Sỹ bị đặt vào chiếu trên, Pháp thoải mái chơi phản công và bùng nổ.
Nhìn mọi mặt, gặp Đức rõ ràng tốt hơn gặp Algeria. Gặp Đức, Pháp đương nhiên bị đặt ở cửa dưới. Sẽ không có sức ép. Về mặt thành tích, vào tứ kết là đã thành công. Về chuyên môn, thua Đức (được coi là mạnh hơn) không có gì phải ân hận. Cuối cùng, cái lợi lớn nhất là lối chơi. Trước một ĐT Đức thích cầm bóng nhưng lại thiếu đột phá, thiếu tốc độ và hàng thủ không tốt như trước, Pháp có một đối thủ lý tưởng để chơi đúng như cách họ thích chơi nhất.
Đến lúc này mới thấy, anh bạn Djilalih của tôi có lý vô cùng. May mà Pháp không phải gặp Algeria.