Không nhiều người biết rằng ở World Cup 2014 tới đây, hơn 1/4 số đội tuyển tham dự (9 đội) có sử dụng những cầu thủ đang sở hữu hộ chiếu công dân Đức. Số cầu thủ này (21 người) gần đủ lập thành một đội tuyển đá ở Brazil với đầy đủ các vị trí trải đều từ thủ môn tới hàng tiền đạo.
Nhiều người trong số họ có thời gian dài đại diện cho các đội trẻ của Đức như hậu vệ Sead Kolasinac vốn là thủ quân U20 Đức, hay Julian Green là một sao mai đầy triển vọng của Bayern Munich từng được tung vào sân thử lửa tại Champions League mùa này... Song họ đã quyết định đánh đổi cơ hội trở thành một tuyển thủ Đức để nắm lấy chiếc vé đi World Cup khi nhận được lời đề nghị từ những đội tuyển "quê cha đất tổ".
Điều tương tự cũng diễn ra với Joel Matip, Eric-Maxime Choupo-Moting, Kevin-Prince Boateng... 4 năm về trước, khi World Cup diễn ra tại Nam Phi, nhưng làn sóng không mạnh mẽ bằng thời điểm hiện tại.
Giống như Kolasinac, Green chơi cho ĐT Mỹ để được dự World Cup
Chẳng khó lý giải cho hiện tượng thú vị này. Việc LĐBĐ Đức đầu tư mạnh tay vào hệ thống đào tạo giúp bóng đá Đức sản sinh rất nhiều nhân tài những năm gần đây. Và một bộ phận trong số đó là những cậu bé có gốc gác nhập cư hay con lai giữa những ông bố, bà mẹ Đức với người nước ngoài đến đây lập nghiệp. Nguồn gốc xuất thân khiến họ trở thành những cầu thủ đa quốc tịch (từ 2 trở lên).
Những cầu thủ đa quốc tịch trong hệ thống đào tạo của các CLB Đức chiếm một số lượng đông đảo là do bối cảnh lịch sử của đất nước này thời hậu Thế chiến thứ 2 (trong khuôn khổ bài viết xin miễn đề cập). Có thể xem đó là những cầu thủ may mắn, bởi theo luật FIFA họ được phép thay đổi đội tuyển mà mình có quốc tịch cho đến trước khi ra sân ở một trận quốc tế hạng A.
Vậy nên, những người phụ trách các cấp độ đội tuyển Đức nhiều lần chứng kiến những mầm non mà họ dày công chăm bẵm nhưng khi "đủ lông, đủ cánh" lại quyết định phục vụ cho một đội tuyển khác. Nhất là càng gần các World Cup hay EURO, cuộc chiến tranh giành cầu thủ càng diễn ra quyết liệt.
Các cầu thủ Đức gốc Mỹ ở ĐT Mỹ
Không chỉ đối mặt với những sự lôi kéo từ bên ngoài, những người có trách nhiệm của bóng đá Đức còn đối mặt với khó khăn từ hệ thống pháp lý hiện hành. Luật quốc tịch ở Đức quy định rằng tới tuổi 23, con cái của những gia đình nhập cư chỉ được phép giữ lại một quốc tịch. Hiển nhiên là những cầu thủ đủ kiên định và tình yêu dành cho nước Đức mới có thể từ chối lời hứa hẹn một suất dự World Cup để tiếp tục chờ đợi cơ hội khoác áo ĐT Đức.
Trên thực tế, quyết định cuối cùng của những cầu thủ nguồn gốc nhập cư thường chịu sự chi phối lớn từ gia đình. Mặc dù sinh ra và trưởng thành hoàn toàn trong môi trường nước Đức, song Julian Green thừa nhận vẫn giữ mối liên hệ mật thiết với nước Mỹ qua anh em họ hàng và đó là lý do anh quyết định gắn tương lai với đội bóng của HLV Juergen Klinsmann. Với thực trạng như trên, chắc chắn sẽ còn nhiều ĐTQG hướng đến nước Đức để tìm kiếm những tài năng bóng đá gốc gác nhập cư.
Danh sách những cầu thủ quốc tịch Đức phục vụ ĐTQG khác tại World Cup 2014
Cameroon: Joel Matip (Schalke 04), Eric-Maxime Choupo-Moting (Mainz 05)
Croatia: Ivo Ilicevic (Hamburg)
Hy Lạp: José Holebas (Olympiakos), Kostas Mitroglou (Fulham)
Nhật Bản: Gotoku Sakai (Stuttgart)
Bosnia: Sead Kolasinac (Schalke), Ermin Bicakcic (Eintracht Braunschweig), Zvjezdan Misimovic (Guizhou Renhe), Sejad Salihovic (Hoffenheim), Muhamed Besic (Ferencvaros)
Iran: Daniel Davari (Eintracht Braunschweig), Ashkan Dejagah (Fulham)
Mỹ: John Anthony Brooks (Hertha Berlin), Timmy Chandler (Nuernberg), Fabian Johnson (M’gladbach), Julian Green (Bayern Munich), Jermaine Jones (Besiktas)
Ghana: Jeffrey Schlupp (Leicester), Kevin-Prince Boateng (Schalke 04)
Italia: Ricardo Montolivo (AC Milan)