NGỠ NGÀNG VÌ CÁC SAI LẦM HÀNG LOẠT
“Khi các giải bóng đá lớn như EURO hay World Cup diễn ra, tôi thường xuyên xem các trận đấu và ghi hình rất kỹ các pha xử lý của các trọng tài ngoại quốc. Sở dĩ tôi làm như vậy là để có tư liệu và khi các đợt tập huấn trọng tài Việt Nam diễn ra, tôi sẽ đem những pha bắt lỗi của trọng tài quốc tế ra để các trọng tài Việt cùng xem và rút kinh nghiệm. Tại World Cup 2014, tôi thực sự bị bất ngờ về việc quá nhiều trọng tài mắc sai lầm đã làm ảnh hưởng đến số phận cầu thủ cũng như kết quả trận đấu. Tôi thống kê có không dưới 10 trọng tài mắc sai lầm mà toàn là những tình huống quyết định dẫn đến việc méo mó kết quả.
Điển hình như việc trọng tài Mirolad Mazic rút đỏ đối với Pepe (Bồ Đào Nha) ở trận gặp Đức. Hay như tình huống trọng tài không công nhận bàn thắng của Dzeko (Bosnia) ở trận gặp Nigeria, tình huống này Dzeko không hề việt vị… Nên nhớ rằng, trước khi bước vào World Cup 2014, các trọng tài được tập huấn rất kỹ. Họ được làm quen với những công nghệ Goal-line, bộ đàm và điều kiện thời tiết nắng nóng ở Brazil nên tôi nghĩ họ không bị lúng túng về sử dụng công nghệ cũng như vấn đề thể lực.
Có người nói, bây giờ hoạt động cá độ phát triển rộng khắp, có nhiều “kèo” lạ như đánh phạt góc, thẻ phạt cũng như nhiều tổ chức mafia tham gia sâu vào hoạt động bóng đá sẽ ảnh hưởng, gây tâm lý trong các quyết định của trọng tài. Tuy nhiên tôi nghĩ, các trọng tài không dại gì mà “bán mình cho quỷ”. Ở đây, đơn thuần họ mắc sai lầm vì chuyên môn, lỗi nhận định.
“KỊCH SỸ SÂN CỎ” DIỄN QUÁ ĐẠT
Cùng với sự phát triển của bóng đá thì trình độ diễn kịch của nhiều ngôi sao bóng đá thế giới ngày càng đạt đến độ siêu hạng. Mới nhất, ở tình huống ngã của Robben những phút cuối hiệp 2 trận Hà Lan – Mexico, thì quả thật trọng tài Pedro Proenca đã bị đánh lừa. Tình huống này, Robben đã diễn quá đạt khi chỉ đợi cái chân của hậu vệ Marquez thò ra là cậu ấy ngã ngay. Rõ ràng, Robben đã chủ động ngã và ngã quá đẹp. Theo tôi, khi thổi penalty, trọng tài phải thực sự chắc chắn thì mới đưa ra quyết định. Ở đây, ông Proenca đã bị đánh lừa và tôi nghĩ, để tránh những quyết định sai lầm thì trước trận đấu, các trọng tài cũng cần biết lối chơi của các cầu thủ hai bên, anh nào hay diễn kịch thì mình phải cảnh giác để tránh mắc bẫy.
Trọng tài Mirolad Mazic cũng bị lừa nên đã truất quyền thi đấu của Pepe trong trận BĐN thua Đức
Hay như pha va chạm giữa hậu vệ Chiellini với Suarez. Đây không phải là pha bóng diễn ra nhanh mà trước khi Suarez cắn Chiellini thì hậu vệ của Italia đã chơi tiểu xảo, liên tục ra đòn nhắm vào Suarez. Tôi nghĩ, pha bóng này, trọng tài chính không có góc quan sát tốt nhưng đáng nhẽ trợ lý 1 phải có những góp ý để từ đó trọng tài chính cắt còi rồi xử lý ngay trên sân. Theo tôi, cả hai cầu thủ xứng đáng nhận thẻ đỏ vì hành vi phi thể thao. Nhưng do cả hai đã chơi xấu rất kín và dễ dàng qua mắt tổ trọng tài nên mãi đến khi ban kỷ luật FIFA vào cuộc thì Suarez mới bị chịu án phạt nguội.
Thật buồn vì các “vua sân cỏ” đã mắc nhiều sai lầm ở sự kiện lớn như World Cup 2014. Nhưng đó lại là bài học lớn với nhiều đồng nghiệp của tôi trên khắp thế giới.
3 ấn tượng của “còi vàng” Dương Văn Hiền
Sự cương quyết của trọng tài
Nhiều trọng tài đã mắc sai sót nhưng bên cạnh đó, các “vua sân cỏ” vẫn thể hiện được bản lĩnh, chẳng hạn khi thổi phạt đền, rút thẻ phạt, dù đúng hay sai họ đều rất cương quyết chứ không vì dao động mà thay đổi quyết định. Đặc biệt ở trận Brazil – Chile, trọng tài Howard Webb đã rất dũng cảm khi không công nhận bàn thắng của Hulk. Nên nhớ, lúc đó sức ép từ khán giả Brazil là cực lớn nhưng ông Webb đã có pha xử lý chính xác.
Trọng tài được tôn trọng
Một điều khiến tôi rất nể phục là cách phản ứng của các cầu thủ, HLV tại World Cup 2014 rất chuyên nghiệp. Dù đội nhà chịu thiệt từ những quyết định của trọng tài nhưng họ không mắng chửi, dọa nạt hay hành hung “vua sân cỏ”. Như pha bóng Marquez (Mexico) bị thổi phạt ở trận gặp Hà Lan, cậu ấy rất điềm tĩnh, không gây hấn với trọng tài Pedro Proenca. Tôi nghĩ các trọng tài nhận được sự tôn trọng lớn và đó là sự chuyên nghiệp đáng ghi nhận.
Tỉnh táo trước “ma trận” của các đội châu Phi
Tại World Cup 2014, nhiều đội bóng châu Phi xảy ra “loạn lạc” khi Cameroon dọa đình công nếu không được thưởng, Ghana bất đồng nội bộ, cầu thủ đánh nhau. Khi vào trận, rất nhiều cầu thủ sẽ tìm cớ vin vào trọng tài để đổ lỗi cho thất bại. Rất may, các “vua sân cỏ” điều khiển những trận có 3 đội này là Jonas Eriksson (ảnh), Nawaf Shurkralla, Wilmar Roldan, Sandro Ricci… đã tỉnh táo và không rơi vào ma trận của họ. Sự cao tay ấy là bài học quý giá với các trọng tài khác.