Một trong những hành động sốc nhất và không cần thiết của cuộc xung đột Balkan là các lực lượng người Bosnia-Croatia cho nổ tung cây cầu Stari Most (Cầu cũ) mang tính biểu tượng của thành phố Mostar. Hai năm trước đó, một Nam Tư đoàn kết vẫn đang nằm trong số đội tuyển mạnh của châu Âu, vốn bao gồm cả người Bosnia, Croatia cũng như Serbia, Slovenia và Montenegro.
Red Star Belgrade từng vô địch cúp châu Âu năm 1991 trong khi đội tuyển quốc gia Nam Tư cũ, với những ngôi sao như Dragan Stojkovic (người Serbia), Roberto Prosinecki (người Croatia) và Dejan Savicevic (người Montenegro), đã lọt vào tới tứ kết World Cup 1990 tổ chức tại Italia, sau đó giành quyền tham dự EURO 1992 nhưng bị loại vì lý do chính trị mà ai cũng có thể hiểu là bởi cuộc chiến tranh đang bùng nổ trong nước.
Stari Most bị đánh sập là hình ảnh tiêu biểu của cuộc chiến tranh Bosnia
Tuy nhiên, cho tới tháng 11/1993, tất cả các đề tài về bóng đá bị đẩy vào một góc khuất, máu và sự tàn bạo của cuộc chiến tranh đã biến gia đình, bạn bè và thậm chí cả đồng đội trở thành kẻ thù của nhau. Hai thập kỷ đã trôi qua và Bosnia đang chuẩn bị một lần nữa trở thành tâm điểm của những ánh mắt từ ngoài biên giới, may mắn thay, lần này là bóng đá chứ không phải tiếng súng.
Đêm thứ Ba, Bosnia & Herzegovina, sau khi chơi trận đầu tiên được FIFA công nhận năm 1995 đã làm nên lịch sử bằng việc giành quyền tham dự một giải đấu lớn đầu tiên sau chiến thắng 1-0 trước Lithuania, với bàn thắng được ghi bởi Vedad Ibisevic.
Trận thắng đã giúp Bosnia tránh được sự sợ hãi khi phải đá play-off. Đối với những người dân từng phải chịu đựng mất mát, đau thương và nước mắt, mặc dù tính chất của 2 sự việc khác hẳn nhau nhưng nếu như họ tiếp tục rơi vào kết cục giống như các trận play-off gặp Bồ Đào Nha trong quá khứ thì quả thực rất tàn nhẫn.
Vì họ đã từng đi trên con đường này trước đó; cả vòng loại World Cup 2010 và EURO 2012 đã đánh dấu sự trưởng thành của một "Thế hệ Vàng" có dấu ấn rất riêng của Bosnia trước khi nhận thất bại trước Ronaldo và những đồng đội trong cả 2 vòng play-off của 2 giải đấu.
Nhưng dưới dự dẫn dắt của HLV Safet Susic, người được mệnh danh là nhà ảo thuật của hàng tiền vệ từ những năm 1990 và các cầu thủ tài năng như Edin Dzeko (Man City), Miralem Pjanic (AS Roma) và thủ thành Asmir Begovic (Stoke), Bosnia đã trở thành một đội bóng đoàn kết. Hình ảnh này trái ngược với sự căng thẳng kéo dài trên các con phố của thành phố Mostar, ở nơi mà dù Stari Most (Cầu cũ) được xây dựng lại nhưng hai cộng đồng lại bị chia rẽ theo dòng sông Neretva.
Người Bosnia đang sống trong những ngày tuyệt vời mà ĐTQG của họ mang lại
Tuy nhiên, cho tới hiện tại, thành tích lịch sử giành quyền tham dự World Cup 2014 đang tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với Bosnia, vượt qua cả yếu tố bóng đá đơn thuần. Như HLV Susic, trong cuộc phỏng vấn với World Soccer đã nói: “Đất nước này bị chia lìa bởi những vấn đề chính trị và kinh tế. Theo logic nó ảnh hưởng lên nền bóng đá của chúng tôi, nhưng được chơi tại Brazil sẽ giúp đôi bên nhìn về một hướng. Đội bóng này mang mọi người gần lại với nhau. Vài năm trước bạn không thể tưởng tượng cảnh người Bosnia, Serbia và Croatia ủng hộ đội tuyển, nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi”.
“Chúng tôi có một thế hệ tuyệt vời với các cầu thủ đã chơi cùng nhau trong một khoảng thời gian và mọi thứ giờ đang cho kết quả”, Susic chia sẻ tiếp. “Điều quan trọng khác là sự ủng hộ của người hâm mộ. Thật không thể tin được khi hàng ngàn cổ động viên theo chúng tôi mọi nơi để ủng hộ”.
Sau hành trình đi khắp châu Âu để tiếp sức mạnh cho đội tuyển của mình, những cổ động viên Bosnia giờ sẽ bắt đầu lên kế hoạch sang Brazil vào mùa Hè năm sau. Họ đã đi một chặng đường dài, theo đúng nghĩa đen, từ năm 1993.