Không thể ngăn phe vé!
Trước khi giải diễn ra, FIFA và nước chủ nhà Nga đã có nhiều động tác phối hợp với nhau nhằm ngăn chặn nạn phe vé. Chẳng hạn cho một cá nhân được mua 4 vé, nhưng buộc người thanh toán phải đứng tên 1 vé, chiếc vé “chính chủ” này sẽ không thể sang nhượng. Bên cạnh đó, BTC World Cup 2018 cũng phối hợp với cảnh sát để có nhiều biện pháp ngăn ngừa, nhưng trên thực tế, không thể ngăn cản được việc phe vé khi nhu cầu về vé ngày càng lớn ở những trận đấu cuối cùng, mang tính quan trọng nhất của kỳ World Cup.
Phóng viên báo Bóng đá đã có mặt tại “chợ phe vé” đông vui nhất tại Moscow. Chợ phe vé này nằm ở bến metro Dobryninskaya, trên đường metro số 5 vòng quanh trung tâm Moscow và cách không xa phòng phát hành vé chính thức của FIFA.
Dĩ nhiên, hoạt động phe vé là bất hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, cảnh sát Nga có nhiệm vụ quan trọng nhất chính là quan sát các nhóm CĐV tụ tập đông người để đề phòng nguy cơ bạo loạn. Người nào chỉ bán 1-2 tấm vé, nếu bị cảnh sát hỏi mà biết trả lời lý do chính đáng một cách “lọt tai” thì họ sẽ bỏ qua. Nếu dành thời gian để xử lý hết các trường hợp sang nhượng vé kiểu này, cảnh sát Nga có thể sẽ bị các đối tượng gây rối lợi dụng, chưa kể nguy cơ khủng bố.
Ở bên ngoài SVĐ trước mỗi trận đấu World Cup, những tấm biển “Tôi cần vé” được viết bằng đủ các thứ tiếng có thể được nhìn thấy nhan nhản. Đối tượng phe vé sẽ tiếp cận những người cần vé, kéo họ ra chỗ an toàn để giao dịch.
Nhu cầu vé quá lớn của CĐV gián tiếp thúc đẩy phe vé - Ảnh: Huy Hiếu
Chợ phe vé thực chất là một khu vực được các đối tượng phe vé tự tụ tập nhau. Điều khá ngạc nhiên là những người phe vé đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau. Leandro (tên nhân vật đã thay đổi), một người đàn ông Brazil trung tuổi khoe với phóng viên báo Bóng đá: “Đây là World Cup thứ sáu của tôi rồi. Năm nào tôi cũng bay đến nơi có World Cup để bán vé”.
Đóng vai một người cần mua nhiều vé trận chung kết, tôi tranh thủ khai thác Leandro. Tay phe vé người Brazil kể về những mánh khóe để tránh cơ quan chức năng mà y thu thập được qua mấy kỳ World Cup, về kỷ niệm mời… cảnh sát Pháp mua vé tại tứ kết France ’98, kể về kinh nghiệm tâng giá vé sao cho hợp lý tùy thuộc vào độ hot của mỗi trận… Phút cuối cùng, lấy cớ không đem đủ tiền, tôi xin số điện thoại của Leandro để liên lạc sau, trong sự thất vọng của tay phe vé người Brazil này.
Phạt nặng cũng khó ngăn chặn
Vào thời điểm vòng bảng mới chỉ đang diễn ra những trận đầu tiên, cộng đồng sinh viên nước ngoài du học tại Moscow đã rúng động bởi một sinh viên nước ngoài bị tạm giữ vì phe vé. Khi bị cảnh sát tình nghi và lục soát, cậu sinh viên này đã đem theo mấy chục tấm vé của trận Đức - Mexico, đem bán cho CĐV của hai đội này bên ngoài sân Luzhniki. Chính tôi khi dự khán trận này đã nhìn thấy rất nhiều CĐV (đặc biệt là Mexico) thiểu não ở vòng ngoài sân Luzhniki do không có vé vào sân.
Theo luật của Nga, người phe vé sẽ bị phạt số tiền gấp tới 20 lần tổng giá trị của những tấm vé tại hiện trường. Cậu sinh viên xui xẻo này đã phải nhận án phạt lên tới 7 triệu rúp (tương đương gần 2,7 tỷ đồng!), đồng thời bị đe dọa đuổi học và trục xuất về nước.
Vụ mới hơn nữa là một người châu Á bị phát hiện phe vé ở sân Krestovsky, thành phố Saint Petersburg. Người Trung Quốc này đem theo một số vé ở trận bán kết Pháp - Bỉ để bán lại cho NHM. Tuy nhiên do tổng giá trị của các tấm vé khoảng 25.000 rúp nên người này “chỉ” phải nộp phạt 500.000 rúp (hơn 190 triệu đồng).
Nước chủ nhà Nga không chủ trương công khai những vụ phe vé. Sự thực, BTC World Cup 2018 còn quá nhiều việc quan trọng hơn phải làm để tổ chức giải đấu thành công. Hơn nữa, không thể cấm “cung” khi “cầu” vẫn tồn tại, thậm chí nhu cầu về vé càng lớn khi VCK World Cup 2018 đi vào những trận đấu cuối cùng, quyết định kết cục giải đấu.
Hoạt động mua bán vé diễn ra công khai
Về mặt lý thuyết, bất kỳ NHM nào trên thế giới cũng có thể tự săn vé World Cup, thậm chí là tấm vé xem trận chung kết ngay từ khi giải còn chưa… khai mạc. Nhưng số người may mắn sở hữu tấm vé chung kết rất ít, do vào thời điểm mở bán vé trên kênh chính thức của FIFA thì cùng lúc có hàng triệu người từ nhiều nước khác nhau cùng truy cập để mua vé. Do đó, những người không may mắn chỉ còn cách duy nhất là mua vé chợ đen nếu vẫn muốn vào xem trận chung kết.
Bạn hãy tưởng tượng vé trận chung kết World Cup đã được bán từ trước khi bóng lăn. Lúc đó có bao nhiêu CĐV Pháp và Croatia dám tin đội bóng của họ sẽ lọt vào đến trận đấu cuối cùng của giải để tự tin đặt vé? Phần lớn vé chung kết vào tay những người không mang quốc tịch Pháp và Croatia, vậy để sân Luzhniki đêm nay được phủ kín, chỉ có cửa duy nhất là các CĐV Pháp và Croatia phải mua lại vé, dù với giá cắt cổ.
Theo ghi nhận tại hiện trường, vé hạng nhất cho trận chung kết là 66.000 rúp (giá niêm yết của FIFA), nhưng lúc này đã được thổi lên từ 4-10 lần, mà lượng cung bao giờ cũng thấp hơn cầu. Bởi vậy, phải chấp nhận thực trạng rằng phe vé vẫn luôn tồn tại!