Không chỉ đặt dấu hỏi về tư cách của Blatter, người giữ vai trò Tổng thư ký trong suốt 24 năm vương triều Havelange, các quan chức LĐBĐ Đức (DFB) còn tỏ ý nghi ngờ về quyết định trao quyền tổ chức World Cup 2018 và 2022 cho Nga và Qatar. Blatter lập tức phản công: “Nếu nghi ngờ thì tôi có quyền nghi ngờ chính World Cup 2006”. Dù không nói huỵch toẹt ra, người ta có thể hiểu Blatter đã ám chỉ rằng VCK World Cup 2006 đã được dàn xếp để nó thuộc về nước Đức. Nhân sự kiện đình đám này, chúng ta hãy dựa vào những hồ sơ đã có để dựng lại vở kịch về cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2006, để hiểu thêm về những gì Blatter vừa nói.
Hồi 1: Bất ngờ ngoạn mục vào phút chót
Tháng 7/2000, FIFA bỏ phiếu chọn nơi đăng cai World Cup 2006. Ma Rốc bị loại sau vòng bỏ phiếu đầu tiên. Sau vòng thứ hai, Anh bị loại nốt. Đến vòng bỏ phiếu quyết định, coi như Nam Phi thuận lợi hơn Đức.. . nửa phiếu. Sở dĩ nói vậy là vì trong trường hợp hòa, đích thân chủ tịch Blatter sẽ bỏ lá phiếu quyết định để phân thắng bại. Ai cũng biết, Blatter từ lâu đã tỏ rõ thái độ ủng hộ Nam Phi đăng cai VCK World Cup 2006.
“Tỷ số tham khảo”: Đức và Nam Phi hòa nhau 11-11 ở vòng hai, còn lại là 2 phiếu cho nước Anh (có cả thảy 24 thành viên FIFA tham gia bỏ phiếu). Trước đó, LĐBĐ châu Đại Dương (OFC) đã họp và thống nhất với nhau rằng đại diện của họ – chủ tịch OFC Charlie Dempsey – sẽ bỏ phiếu cho nước Anh. Khi Anh bị loại sớm thì Dempsey sẽ chọn Nam Phi ở vòng quyết định. Giả sử lá phiếu cuối cùng bầu cho Đức, tỷ số chung cuộc cũng sẽ là 12-12. Và khi đó chắc chắn Nam Phi sẽ chiến thắng nhờ lá phiếu quyết định của Blatter.
Kết quả thực tế: Đức và Nam Phi mỗi nước đều giành 11 phiếu ở vòng hai. Đến vòng ba, một trong hai phiếu ghi tên Đức. Phái đoàn của Beckenbauer dẫn điểm 12-11. Nhưng còn lá phiếu “dự kiến ghi tên Nam Phi” trong tay Dempsey? Bất ngờ không thể tưởng tượng đã xảy ra vào giờ chót: ông ta bỏ phiếu.. . trắng. Thế là nước Đức giành được World Cup 2006, bằng tỷ số thật sít sao, và ngoài sức tưởng của bất cứ ai quan tâm đến sự kiện ấy.
Hồi 2: Kẻ “phản kèo” bị trừng trị như thế nào?
Năm 2000, Charlie Dempsey từ chức chủ tịch OFC, rồi rút tên khỏi Ban chấp hành FIFA, chỉ một thời gian ngắn sau cuộc bỏ phiếu kỳ lạ. Người ta tin rằng ông này buộc phải rút lui khỏi vai trò chính khách bóng đá chỉ sau 4 năm ngắn ngủi vì tội “phản kèo”.
Hồi ấy, Dempsey chịu áp lực rất lớn. Ông bị công chúng coi là “kẻ thù”. Báo chí Anh – thường là lực lượng “ngoa ngoắt” nhất trên lĩnh vực thông tin bóng đá – công kích: Dempsey chính là kẻ bóp chết giấc mơ World Cup của Nam Phi. Suy cho cùng, lá phiếu chống lại quyền lợi chung của cộng đồng Anh của Dempsey (sinh tại Scotland, di cư sang New Zealand vào năm 1952) là khó chấp nhận trên quê hương bóng đá. Thêm nữa, lá phiếu của Dempsey hiển nhiên là một cú tát vào mặt chủ tịch Blatter – nhân vật đã nỗ lực vận động cho Nam Phi giành quyền đăng cai World Cup 2006. Chống cả nước Anh lẫn FIFA, lại bị phe trung lập coi thường, thử hỏi Dempsey làm sao còn có chỗ đứng trong thế giới bóng đá?
Ngay từ phiên họp mang tính chất vấn của ban chấp hành OFC, Dempsey đã không thể trả lời vì sao ông bỏ phiếu trắng, và đành từ chức. Đương nhiên FIFA cũng phải nhổ phắt cái gai trước mắt Blatter. Các đồng nghiệp nói thẳng với Dempsey: ông nên “tự xử” cho rồi. Thà rằng từ chức còn hơn là bị người ta “rò rỉ” một vài thông tin nào đấy để báo chí giật scandal, rồi hướng đến kết cục bị sa thải! Quan chức Dempsey coi như rơi vào quên lãng kể từ đó.
Hồi 3: Truy tìm sự bí ẩn
Có hai điều chắc chắn. Một là Dempsey không… điên. Hơn ai hết, ông phải hiểu rõ giá trị của chiếc ghế thành viên BCH FIFA cũng như giá trị của việc bỏ phiếu chọn nơi đăng cai World Cup. Dempsey còn biết rất rõ hậu quả xảy ra nếu ông không bỏ phiếu cho Nam Phi. Biết, nhưng vẫn làm! Điều chắc chắn thứ hai là nước Đức hưởng lợi quá lớn, từ lá phiếu trắng của Dempsey, người chẳng có mối liên hệ ràng buộc gì với làng bóng Đức. Vậy thì, do đâu mà Dempsey lại bỏ phiếu trắng để Đức chiến thắng? Ông bị mua chuộc? Vẫn chưa có bằng chứng. Hay ông bị hăm dọa? Quả là có chuyện này.
Trong đêm trước ngày bỏ phiếu, có một bức thư nặc danh được gửi đến phòng của Dempsey, nội dung yêu cầu ông gọi đến một số máy ở Berlin. Kèm theo đó là lời hăm dọa: báo chí có thể sẽ nhận được đầy đủ thông tin để ra loạt bài tố cáo quan chức Charlie Dempsey ăn hối lộ. Ông hoang mang trước quá nhiều khả năng có thể đặt ra. Gài bẫy chăng? Hay đây là một cuộc mặc cả? Dempsey căng thẳng đến nỗi ông không dám dùng điện thoại, vì sợ bị nghe lén. Ông phải gửi fax đến số máy riêng của Tổng thư ký OFC để xin một lời tư vấn. Chi tiết đặc biệt: Tổng thư ký OFC, Josephine King, chính là con gái của ông. Con gái dĩ nhiên biết rõ tất cả những gì bố mình đã, đang và sẽ phải làm.
Nội dung của bức fax trả lời: “Bố thân mến. Luật sư đã phân tích kỹ mọi tin đồn về scandal hối lộ và kết luận đấy chỉ là cách gây áp lực. Tuy nhiên, khuyến cáo của con và các luật sư là bố chỉ nên bỏ phiếu theo lựa chọn đầu tiên. Sau đó, bố không nên bỏ phiếu nữa, hoặc chỉ bỏ phiếu trắng. Cho đến thời điểm này, bố vẫn là người trong sạch và không nhất thiết phải mạo hiểm. Dù trong sạch, bố vẫn có thể trở thành người không trong sạch. Đây là một canh bạc lớn và bố cần suy nghĩ kỹ”.
Dempsey làm theo lời khuyên của con gái. Ông chỉ bỏ phiếu cho Anh - ứng viên chắc chắn không thể chiến thắng, rồi sau đó đứng ngoài cuộc chơi bằng cách không bỏ phiếu cho ai nữa.
Hồi 4: “Hậu sự” của Charlie Dempsey, hay chìa khóa giải mã mọi bí ẩn
Dempsey qua đời vào tháng 6/2008, nhưng khái niệm “hậu sự” ở đây là những gì người ta sẽ làm sau khi chính ông phải tự kết liễu sự nghiệp chính khách bóng đá của mình. Dempsey bị đẩy ra khỏi thế giới bóng đá sau hàng loạt biện pháp “tự xử”? Có thể là như vậy, nếu nhìn vào bề mặt của các sự kiện. Nhưng kịch bản thật sự của chuyện tranh quyền đăng cai World Cup 2006 thì có lẽ còn hay hơn đại tác phẩm “Bố Già” mà Mario Puzo viết về thế giới mafia.
Sau nhiều tuần liên tiếp muối mặt chịu sự nguyền rủa dư luận, Dempsey lặng lẽ trở lại Zurich theo lời mời của chủ tịch Blatter để giữ một ghế trong Ủy ban kỷ luật của FIFA. Ông lại được con gái, tức tổng thư ký OFC Josephine King “nài nỉ” để trở thành chủ tịch danh dự vĩnh viễn của OFC. Rồi FIFA lại mời Dempsey làm chủ tịch danh dự vĩnh viễn. Trong lịch sử đã kéo dài hơn 100 năm, FIFA chỉ có 25 nhân vật được trao thẻ “thành viên danh dự vĩnh viễn”.
Blatter căm thù Dempsey vì nhân vật này “phá bĩnh”, khiến Nam Phi mất quyền đăng cai World Cup 2006? Sự thật hoàn toàn ngược lại. Blatter giành ghế chủ tịch FIFA vào năm 1998 nhờ sự hậu thuẫn của các nước châu Phi và ông đành hứa hẹn về một World Cup 2006 “tại châu Phi”. Bây giờ, mọi người đã biết rằng Nam Phi rút cuộc cũng được tổ chức World Cup 2010, nhưng đấy không thể là kỳ World Cup hoàn hảo, xét trong lĩnh vực tổ chức. Nam Phi mà tổ chức World Cup 2006 thì rất có thể đấy sẽ là một kỳ World Cup thảm họa. Blatter đã hứa, nhưng trong thâm tâm ông lại quá “sướng” khi thoát được lời hứa ấy. Đã có Charlie Dempsey hứng lấy búa rìu dư luận, như một con “tốt thí”.
Đến đây, mọi người đã hiểu ai là kẻ viết thứ nặc danh để hăm dọa khiến Dempsey phải bỏ phiếu trắng, làm cho ngài Blatter mất dịp thực hiện lời hứa với Nam Phi (mà không ai có thể trách ông).