Nhộn nhịp ngày cuối World Cup
Ngày cuối cùng của World Cup 2018, tôi có mặt tại chợ Food City (quần thể chợ bán buôn sản phẩm nông nghiệp) sau chặng đường dài di chuyển từ trung tâm Moscow đến km số 42 đường vành đai MKAD.
Nơi đây cách xa trung tâm thành phố, cách xa luôn khu vực đông CĐV nước ngoài đến cổ vũ World Cup. Phần đông du khách quốc tế đến Nga dịp này không biết đến Food City. Nhưng khi đến đây, tôi vẫn cảm nhận được bầu không khí World Cup đã lan tỏa đến tận khu vực xa xôi này của thủ đô Moscow.
Tầng trệt của Food City là nơi bán buôn các sản phẩm trái cây, hoàn toàn do những người gốc Trung Á (Tajikistan, Turkmenistan, Armenia, Azerbaijan…) chiếm lĩnh. Do nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi tăng mạnh trong dịp World Cup, khi Moscow đón lượng khách nước ngoài khổng lồ, không khí làm việc tại đây rất khẩn trương. Xe cần cẩu mini rất phổ biến để vận chuyển, bốc xếp hàng tấn trái cây vào chợ một lúc. Tất cả đều được sắp xếp rất gọn gàng, ngăn nắp.
Food City được khai trương vào năm 2014, nhằm quy hoạch các hoạt động buôn bán sản phẩm nông nghiệp vào một chỗ, tránh gây cản trở giao thông ở trung tâm Moscow. Đồng thời, việc này cũng giúp giản lược các khâu trung gian vận chuyển hàng hóa, giảm được 30-40% chi phí cho các cửa hàng ở trung tâm. Ngoài trái cây, đây cũng là chợ đầu mối cho các sản phẩm thịt heo, bò hay gia cầm cung cấp cho thị trường Moscow và vùng lân cận.
Các sản phẩm được bày bán ngăn nắp tại Food City
Dù rất bận rộn, nhưng những người chủ sạp hàng tại tầng trệt Food City luôn nở nụ cười và thân thiện với khách hàng. Tuy nhiên, mua lẻ trái cây tại Food City rất khó khăn do đang mùa World Cup, sản phẩm trái cây được tiêu thụ rất mạnh nên người bán hàng sinh “kiêu”, chỉ muốn bán với số lượng lớn. Tôi đã phải dùng một mẹo được người thân ở Moscow chỉ dẫn, mới có thể mua được ít trái cây.
Cần mở rộng không gian Việt
Trái với bầu không khí nhộn nhịp kiểu “chợ búa” dưới tầng trệt, một cảm giác ấm cúng tràn ngập tại tầng 2 khu thương mại Food City. Đây là khu vực quy tập các sản phẩm nông nghiệp khô của nhiều nước khác nhau, trong đó có vài chục hộ kinh doanh người Việt Nam.
Qua ghi nhận của phóng viên báo Bóng đá, bà con không chỉ bán những sản phẩm nông nghiệp truyền thống như măng khô, mộc nhĩ, café… từ trong nước nhập sang, mà còn mở cả hiệu sửa chữa quần áo và cắt tóc. Đặc biệt, các sản phẩm chè Thái Nguyên được tiêu thụ mạnh, đây cũng là một đầu mối để những người Việt xa quê yêu món “trà mạn” của miền Bắc có thể được thỏa cơn ghiền.
Việt Nam có gian hàng chính thức để giới thiệu các sản phẩm chè, café, hạt điều phơi khô… cùng với các gian hàng của nhiều nước khác. Tuy nhiên theo cảm nhận của phóng viên, nó chưa đạt tới quy mô của Trung tâm thương mại Food City cũng như mong muốn của bà con.
Đại sứ quán Việt Nam tại Moscow đã giới thiệu cho một số doanh nghiệp đến xem để mở rộng kinh doanh, nhân dịp World Cup có nhiều người sang Nga xem bóng đá. Ngày hội bóng đá toàn hành tinh là cơ hội lớn để gian hàng Việt Nam tại Food City vươn lên, khẳng định thương hiệu Việt và sánh ngang với gian hàng của một số nước khác.