Bóng Đá Plus trên MXH

Thế giới của người nhập cư tại Qatar: World Cup, khi đời không phải là… mơ
11:33 ngày 27/11/2022
“Tôi kiếm được 5.000 Riyal Qatar (xấp xỉ 35 triệu đồng) mỗi tháng khi từ Ấn Độ sang Qatar làm việc. Một nửa, tôi gửi về cho bố mẹ. Phần còn lại, tôi tiết kiệm cho những dự định trong tương lai”, Anwar Kolakkattil, một người nhập cư đang làm việc tại cửa hàng bán đồ lưu niệm World Cup 2022 hào hứng nghĩ về giấc mơ đổi đời.

    “Anh đến từ đâu?” 

    Anwar Kolakkattil chỉ là một trong số hơn hai triệu người nhập cư đang sinh sống tại Qatar. Từ tài xế taxi, tình nguyện viên, công nhân cho đến người bán tạp hóa,… đa số họ có thể đến từ Bangladesh, Philippines, Ấn Độ, Nepal, Pakistan hay Indonesia. Vậy nên, sau một câu chào hỏi xã giao, họ thường buột miệng một cách vô thức, như thói quen thường ngày khi hỏi han về người đối diện mình: “Anh/chị đến từ nước nào thế?”. 

    Anwar Kolakkattil là người nhập cư thứ… 30 mà tôi trò chuyện trong chuyến đi công tác tại Qatar. Và anh cũng là người Ấn Độ thứ 20 mà tôi có gặp gỡ, từ ga tàu điện ngầm, sân vận động cho đến cửa hàng lưu niệm… ở quốc gia vốn được xem là thiên đường cho người nhập cư, với tỷ lệ lao động từ nước ngoài tới đây làm việc chiếm đến khoảng 88%, cao thứ 3 thế giới. 

    Kolakkattil là con trai cả, trong gia đình thuần nông gồm 3 anh em tại ngoại ô Ấn Độ. Trước khi sang Qatar làm việc hồi tháng 8, Kolakkattil cũng làm công việc bán hàng, thu ngân tại quê nhà. “Khi đó, tôi kiếm được khoảng 1.500 Riyal Qatar (gần 11 triệu đồng). Nhưng sang tới Qatar, mỗi tháng, tôi được ông chủ trả tới 5.000 Riya Qatar, tức là gấp hơn 3 lần thu nhập ở quê nhà”, Kolakkattil vừa khiêng một thùng hàng nhỏ, vừa hào hứng chia sẻ cho phóng viên Bóng đá xoay quanh 3 tháng làm việc tại Qatar. 

    Anwar Kolakkattil, một người lao động  nhập cư tại Qatar

    “Em rể tôi cũng từ Ấn Độ sang Qatar làm việc. Cậu ấy ở cách tôi 30 cây số. Thu nhập ở đây tốt hơn hẳn so với khi làm việc tại Ấn Độ. Mỗi tháng, tôi có thể gửi về cho gia đình 2.000 Riyal. Phần còn lại, tôi tiết kiệm cho những dự định của tương lai”, ánh mắt Kolakkattil sáng ngời niềm hy vọng. 

    Chỉ thiên đường không có màu hồng

    Song song với nguồn thu nhập hấp dẫn hơn, Kolakkattil cho biết anh cũng được cửa hàng tại Qatar hỗ trợ chỗ ở miễn phí. “Cứ 9 giờ sáng hàng này, tôi lại mở cửa bán hàng theo yêu cầu. Đến 10 giờ tối, tôi lại từ nhà ga di chuyển về Al Khor (gần sân vận động Al Bayt, nơi diễn ra trận khai mạc World Cup 2022). Đó là một nơi mà sinh hoạt phí dễ chịu hơn nhiều so với trung tâm Qatar. Vậy nên, đa số người nhập cư cũng sinh sống tại đó. Để tiết kiệm hơn, chúng tôi thường ăn “Arabic Food” (những món ăn đa phần là bột). Tôi có thể no từ sáng cho đến gần bữa chiều nhờ ăn như vậy. Cũng vì thế, tôi không mất thêm những khoản chi phí cho việc chọn đồ ăn nhanh tại gần cửa hàng nữa”. 

    Nhưng không phải người nhập cư nào cũng may mắn như Kolakkattil. Ahmed, một lao động mới từ Bangladesh sang Qatar tìm kiếm việc làm bàng hoàng trước tình cảnh xám xịt tại “thiên đường nhập cư”. “Anh có thể cho tôi 10 Riyal (khoảng 70.000 Việt Nam đồng) được chứ. Hai ngày qua, tôi không có gì bỏ vào miệng cả”, đôi mắt Ahmed đầy sự ái ngại xen lẫn van nài khi xin trợ giúp từ phóng viên Bóng đá, trên con đường từ ga tàu Al Sadd về Bin Mahmoud. 

    Nhiều người lao động đang phải vật lộn để kiếm sống tại Qatar

    “Bạn tôi đã vẽ ra một viễn cảnh rằng tôi có thể kiếm được ít nhất 2.000 Riyal (khoảng 14 triệu đồng)/tháng nếu sang Qatar làm tài xế taxi. Nhưng khi từ Bangladesh tới đây, tôi không thể gọi điện được cho người bạn ấy. Tôi giờ không còn đủ tiền bay về nước, cũng thậm chí chẳng đủ 100 Riyal (khoảng 700.000 đồng) để thuê phòng trọ nữa. Hôm qua và hôm nay, tôi chỉ có thể chợp mắt tạm ở hàng ghế công viên. Xin anh, nếu có thể hãy cho tôi một bữa ăn chống đói”. 

    Những mảng màu sáng tối đối với người nhập cư vào Qatar hiện diện trên từng ngõ ngách đường phố. Họ đến quốc gia này với niềm hy vọng về một sự đổi đời. Không ít người nhập cư đã định cư ở Qatar tới 15-20 năm qua. Cũng có những người thất vọng tìm đường hồi hương sau khi vỡ mộng tại quốc gia này. 

    Hãy sống như cây xương rồng 

    Nihal, một cậu bé Ấn Độ cùng bố sang Qatar sinh sống được 5 năm mặc một chiếc áo của Ronaldo khi đến sân Lusail xem bóng đá. Em tâm sự rằng: “Bố dạy tôi hãy sống như Ronaldo khi đến một đất nước xa lạ. Bởi chỉ có sự xù xì, gai góc và rắn rỏi như Ronaldo, tựa một cây xương rồng mới có thể giúp tôi đứng vững tại miền đất không phải quê hương mình”. 

    CĐV Iran “gây bão” vì độ xinh đẹp 

    Các CĐV châu Á hiện diện ở World Cup 2022 đang có được sức thu hút rất lớn từ phía giới truyền thông quốc tế cũng như chính NHM từ các châu lục khác trên thế giới. Davies Stone (ảnh), CĐV từ xứ Wales bày tỏ sự ấn tượng: “Những nữ CĐV đến từ châu Á có một vẻ đẹp dịu dàng, gợi cảm cùng sức cuốn hút khó cưỡng. Tôi ấn tượng với vẻ đẹp của phụ nữ Iran. Họ có sự hòa trộn giữa vẻ đẹp của người châu Âu lẫn châu Á”. 

    Sốc với giá xe ở Qatar

    Haithem, một tài xế dùng chiếc xe Camry đời 2019 làm taxi chia sẻ: “Tôi mua lại chiếc xe này với giá 50.000 Riyal (khoảng 350 triệu đồng) với đầy đủ thuế phí. Nếu bạn muốn mua một chiếc Camry đời mới nhất thì số tiền sẽ là gấp đôi (khoảng 700 triệu đồng). Đây có thể xem là một mức giá rất rẻ cho việc sở hữu dòng xe sang như Camry. Tại Việt Nam, con số này có thể lên đến 
    1,5 - 1,8 tỷ đồng. 

    Giá thuê cắt cổ ở làng CĐV Rawdat Al Jahhaniya 

     

    Dù phải bỏ ra mức giá lên tới 200 USD/đêm tại làng CĐV Rawdat Al Jahhaniya (gần sân Ahmed Bin Ali, phía Tây thủ đô Doha, Qatar) nhưng người hâm mộ chỉ được ở trong một cabin với diện tích chừng 15 m2 bao gồm 2 giường cho 2 người, 1 phòng tắm nhỏ cùng 1 điều hòa. Gabriel, một NHM từ Brazil thừa nhận vì không còn sự lựa chọn khả dĩ hơn ở Qatar nên anh buộc phải lựa chọn làng CĐV này làm nơi sinh hoạt trong thời gian 1 tuần xem World Cup. Anh thẳng thắn tuyên bố sẽ không bao giờ trở lại đây nếu có dịp tới Qatar du lịch trong tương lai. 

     

    TRÍ CÔNG (từ Doha, Qatar) • 11:33 ngày 27/11/2022
    Tags: Qatar

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay