Huyền thoại tòa nhà Đại sứ quán
Ngôi nhà chung của cộng đồng Việt Nam tại Moscow nói riêng và trên toàn nước Nga nói chung chính là tòa nhà Đại sứ quán, ở số 13 đường Bolshaya Pirogovskaya, thuộc quận Khamovniki của thủ đô Moscow. Từ những ngày đầu mới đặt chân lên lãnh thổ nước Nga, phóng viên báo Bóng đá đã thường xuyên nhận được sự giúp đỡ tận tình của cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam. Phòng khách của sứ quán Việt Nam cũng là nơi cán bộ nhân viên và một số đồng bào tụ tập theo dõi World Cup, đặc biệt là các trận của đội chủ nhà Nga.
Ngôi nhà số 13 đường Bolshaya Pirogovskaya gắn với nhiều giai thoại thú vị. Ngôi nhà được xây dựng khoảng năm 1892-1894 để làm cô nhi viện mang tên Nicolai Sergayevich Mazurin. Ông Nicolai thuộc gia đình thương gia giàu có của dòng họ Mazurin có tiếng ở Nga về các hoạt động từ thiện, cha ông là chủ một nhà máy giấy ở ngoại ô Moscow.
Ông Nicolai chưa bao giờ chính thức có vợ. Người vợ không hôn thú của ông là bà Maria Sharbeuno, người Pháp. Theo di nguyện của ông Nicolai trước khi qua đời, bà Maria đã xây dựng ngôi nhà này làm cô nhi viện. Nơi đây thường xuyên tiếp nhận khoảng 100 cháu cả trai và gái. Sau 12 tuổi, các cháu mồ côi sẽ đi các cô nhi viện khác trong thành phố.
Sau Cách mạng tháng 10, ngôi nhà được quốc hữu hóa, đến đầu thập niên 1950 thì chính quyền Liên Xô trao ngôi nhà này cho Việt Nam làm trụ sở Đại sứ quán. Phía ta vẫn sử dụng ngôi nhà số 13 này từ đó tới nay theo diện tương hỗ giữa hai nước.
Trụ sở sứ quán Việt Nam là nhà 13, tại ngã tư đó có đến mấy nhà số 13 (thuộc các phố khác). Tại đây từng xảy ra khá nhiều vụ tai nạn giao thông, dù chính quyền từng đặt tín hiệu đèn giao thông mấy lần nhưng không hiểu sao đều trục trặc không hoạt động. Lại nữa, do là giao điểm của khá nhiều nhà số 13, nên người dân lân cận càng đồn thổi nhiều chuyện mang tính tâm linh huyền bí. Một chuyện mà tôi được nghe người dân quanh đó kể giống nhau đến vài lần là khi xem lại camera an ninh quay buổi đêm, thì biển số xe màu đỏ có những lúc biến thành màu trắng, rồi lại trở về màu đỏ!
Ở rất gần sứ quán Việt Nam là Đôm 5 (tòa nhà số 5). Tòa nhà này có 2 cầu thang dành cho cán bộ ngoại giao Việt Nam và gia đình sinh sống, 2 cầu thang còn lại thuộc Ngoại giao đoàn của Nga chuyên cho người nước ngoài thuê (vẫn chủ yếu là người Việt Nam).
Đôm số 5 chính là nơi đoàn phóng viên báo Bóng đá đã trú ngụ ít ngày đầu khi mới đến Moscow, mọi thứ còn rất mới mẻ và nhiều bỡ ngỡ. Nhưng khi đặt chân vào khuôn viên của Đôm 5, chúng tôi không còn cảm giác xa lạ với nước Nga. Do đây là tòa nhà dành cho gia đình cán bộ sứ quán Việt Nam, nên cũng là không gian đậm chất quê hương.
Thịt cá, rau quả tươi được bán ngay ở chân tòa nhà. Ngồi trong nhà, có thể nghe thấy tiếng trẻ con học đánh vần “ê a” vang lên ở xung quanh, rồi các cháu chơi với nhau dưới sân cũng toàn sử dụng tiếng Việt. Có lần tôi bị lạc lúc hơn 1h đêm, đường phố vắng lặng, nhưng bất ngờ đã gặp được đôi vợ chồng trẻ tuổi đi mua đồ ăn, đó là hai người hầu như duy nhất có thể giúp tôi tìm đường lúc đó. Trời Phật phù hộ, họ là đồng bào cùng cư ngụ ở Đôm 5!
Tòa nhà này đã có lịch sử lâu đời gắn liền với Việt Nam cũng như quan hệ bang giao giữa hai nước. Đây không chỉ là nơi cán bộ ngoại giao của ta trú ngụ, mà cũng là bệ phóng đã chắp cánh cho biết bao người Việt thuộc nhiều thế hệ thành đạt trên nước bạn.
Tình đồng bào nơi tỉnh lẻ
Không ồn ào, náo nhiệt và đông đúc người Việt như ở Moscow, đồng bào ta ở Samara, Kazan, Tula, Saint Petersburg và Nizhny Novgorod (những thành phố mà phóng viên báo Bóng đá đặt chân đến) thưa thớt hơn, đồng thời điều kiện kinh tế và cuộc sống nói chung thấp hơn Moscow. Nhưng bất kể như thế nào, thứ tôi cảm nhận được vẫn là tình đồng bào thiêng liêng. Họ sẵn sàng bỏ cả buổi làm việc đưa chúng tôi đi thăm thú thành phố, giới thiệu những điểm nổi bật của địa phương.
Nhờ có tình đồng bào mà tại mỗi nơi đặt chân đến, chúng tôi đều không mất nhiều thời gian để hòa nhập với nhịp sống địa phương, cũng như lên kế hoạch triển khai các đề tài tác nghiệp World Cup được nhanh chóng.
Nizhny Novgorod là nơi tôi đã dừng chân 4 ngày trên chặng đường công tác. Đời sống của đồng bào ta tại đây đang ở vào giai đoạn rất khó khăn, nhiều người đã phải bỏ sang thành phố khác hoặc về nước. Nhưng khi tôi đến tầng 2 của khu chợ Kanavins, tình đồng hương đầy ấm cúng đã hâm nóng bầu không khí buôn bán nguội lạnh. Không cần sơn hào hải vị, chỉ 1 chén trà mạn đậm hương vị miền Bắc Việt Nam đã thấy cảm động lắm rồi.
Khi số báo này đến tay độc giả, tôi đã ở cách xa nước Nga mấy ngàn dặm, về với mảnh đất hình chữ S dấu yêu. Nhưng có đi công tác xa quê hương mới cảm nhận được hai chữ “đồng bào” thiêng liêng như thế nào!