Có một điểm chung rất rõ: họ đều không hề thay đổi. Không thể, không muốn, không cần, hoặc không dám thay đổi. Họ bảo vệ danh hiệu bằng HLV cũ, với đa phần lực lượng là những gương mặt cũ.
Đừng nói đấy là bất ngờ, bởi cũng đã có nhiều người đã tin rằng Đức không thể bảo vệ ngôi cao tại World Cup 2018. Họ không thay đổi trong khi những bộ óc siêu việt nhất trong cả thế giới bóng đá thì đã có thời gian thừa thãi để nghiên cứu cách chế ngự họ. Nếu là HLV của một đội mạnh, có tham vọng tranh ngôi vô địch World Cup, bạn sẽ nghiên cứu và cố tìm ra cách thắng đội nào trước tiên? Đấy là chưa kể các nhà chuyên môn cự phách, luôn công khai mổ xẻ đội ĐKVĐ trong tư cách bình luận viên trung lập, trên mặt báo.
Trong suốt 4 năm kể từ bây giờ, đội tuyển Pháp của Didier Deschamps sẽ là đội bóng... khổ sở nhất. Ai cũng muốn thắng họ, hoặc ít nhất thì cũng muốn thử nghiệm cách này hoặc cách khác, để dùng đến khi cần. Những người đi trước Deschamps, như Michel Hidalgo hoặc Aime Jacquet, lập tức chia tay đội tuyển ngay sau giây phút vinh quang, không chỉ là để giữ mãi hình ảnh đẹp. Đấy còn là cách để họ né tránh công việc chắc chắn là sẽ vô cùng khó khăn, nếu tiếp tục giữ ghế.
Quy luật muôn thuở trong thể thao đỉnh cao: bảo vệ chức vô địch luôn khó hơn đoạt chức vô địch. Đây không phải là câu chữ màu mè, cũng chẳng hề có triết lý cao xa nào. Đây là thực tế rành rành, rất cụ thể về mặt chuyên môn, vì những khó khăn đã nêu.
Bóng đá Pháp đang thừa mứa tài năng trẻ? Chẳng có gì là mới. Bóng đá Đức cách nay khoảng chục năm cũng vậy. Ngôi sao xuất hiện nhan nhản không chỉ nhờ khâu đào tạo trẻ tốt, mà còn vì xã hội thay đổi, từ đó quy tụ được nguồn lực từ “tứ xứ”. Les Bleus bây giờ, cũng như Mannschaft trước đây, không chỉ có nhiều ngôi sao để chọn. Đấy còn là những hảo thủ rất đa dạng về đặc điểm chuyên môn, do họ đến từ những trường phái bóng đá khác nhau. Họ đem theo những ưu điểm khác nhau vào đội tuyển, giúp ban huấn luyện dễ dàng chọn một con đường tốt nhất, công thức tốt nhất, dẫn đến thành công.
Suy cho cùng thì Pháp vô địch World Cup 2018, cũng như Đức vô địch trước đó, trước tiên là vì những nền bóng đá đang có quá nhiều tài năng - chứ không phải vì họ vô địch mà thiên hạ mới nhìn vào đấy và thấy ra nhiều tài năng. Một lớn đang đặt ra trước mắt Deschamps: ông phải làm gì với lực lượng trong tay, và cả lực lượng đang chờ ông sử dụng?
Hãy nhìn vào bóng đá Đức cách nay vài năm. Còn ai nhớ đến Simon Rolfes, Stefan Kiessling, Patrick Helmes, Marko Marin, Kevin Grosskreutz, Marcel Schmelzer, Manuel Friedrich, Rene Adler, anh em Lars và Sven Bender... trong đội tuyển Đức? Họ đều có tài năng chẳng kém gì những người được HLV Joachim Loew thường xuyên gọi vào đội tuyển. Nhưng họ đành chấp nhận mình kém may mắn. Kiessling tuyệt vọng đến nỗi thề rằng không nghĩ gì đến Mannschaft nữa, ít ra là cho đến khi nào Loew vẫn còn huấn luyện.
Loew không dám thay đổi, và ông thất bại - từ EURO 2016 cho đến World Cup 2018 - là điều tất yếu. Vấn đề sắp tới là Deschamps sẽ nhìn vào đấy và rút ra được kinh nghiệm gì.
Mà cũng chẳng phải nhìn đâu cho xa. Deschamps chính là thủ quân đội tuyển Pháp, từng đại bại trong tư cách ĐKVĐ ở World Cup 2002. Pháp giao ghế HLV trưởng cho Guy Roux sau chức vô địch World Cup 1998. Ông bảo sẽ phải thay đổi toàn bộ - từ lực lượng đến lối chơi. LĐBĐ không đồng ý. Guy Roux cũng không chấp nhận thế chỗ Jacquet. Và sau đó...