HLV Philippe Troussier luôn hướng đội bóng của mình tới những mục tiêu kiểm soát bóng. Có những trận đấu, có thời điểm ĐT Việt Nam chuyển hoá tỷ lệ kiểm soát bóng thành những cơ hội và đã có bàn thắng. Nhưng có những trận đấu, tỷ lệ kiểm soát bóng dường như vô nghĩa khi mà chúng ta không tạo ra áp lực cầu môn cũng không có có nhiều cú sút hay bàn thắng. Lượt đi, tỷ lệ kiểm soát Việt Nam không hề tệ, nhưng thật thất vọng khi chúng ta chẳng có lấy một cú đá trúng đích.
Phải nhanh chóng quên đi những gì đã diễn ra trên Bung Karno, nhưng ĐT Việt Nam cũng cần phải có cho mình những bài học để chuẩn bị cho cuộc tái đấu vào ngày 26/3 tới đây. Cần phải nhìn nhận, dường như ĐT Việt Nam không có nhiều phương án tiếp cận khung thành khi đưa được trái bóng sang phần sân đối phương. Sẽ không bất ngờ nếu kịch bản này tái diễn trên sân Mỹ Đình. Giờ đây mọi thứ càng khó khi thầy trò HLV Troussier đang bị đối thủ dẫn 1-0. Tức, Indonesia nắm quyền chủ động còn Việt Nam không còn sự lựa chọn ngoài việc hướng đến một kết quả tốt.
Khả năng Indonesia tạo ra một thế trận phòng ngự là rất cao. Việt Nam không xa lạ với cách chơi thực dụng được tạo dựng dưới thời của Shin Tae Yong. Tại Asian Cup 2023, thật khó để nói Indonesia đã chơi hay nhưng về tính hiệu quả, họ đã có điều mình cần đấy là thắng. Lùi sâu, thậm chí đứng ken đặc cầu thủ ở một 1/3 sân nhà khi phòng ngự, đã tạo ra một khối bê tông không thể khoan phá. Cũng cần phải nói thêm, Indonesia chơi đầy hiệu quả nhờ chọn chính xác những thời điểm, vị trí pressing và cả những pha phạm lỗi chiến thuật. Trong số 2 quả đá phạt mà chúng ta được hưởng ở lượt đi đều cách xa khung thành và nó đã vô hiệu hoá khi những quả câu bổng vào trong bị những “cây sào” có chiều cao trung bình 1m85 đánh bật.
Rõ ràng, Việt Nam phải thay đổi cách tiếp cận trận đấu. Lúc này sẽ có một câu hỏi được đặt ra, HLV Troussier sẽ cho đội nhà tấn công hay đợi chờ?. Thật khó đoán định nhưng có thế nào đi nữa, Việt Nam sẽ phải cố gắng tạo ra áp lực giành thế chủ động ở mọi vị trí và thời gian trên sân. Điều quan trọng, đội bóng của Troussier sẽ phải gia tăng tính đột biến trong cách tiếp cận khung thành. Chúng ta sẽ khó tìm thấy lối đi khi vẫn chơi với những tiền vệ có xu hướng phòng ngự như hiệp 2 trên Bung Karno.
Việt Nam cần tính sáng tạo, thậm chí phá vỡ những quy tắc bài vỡ. Để có điều đó, HLV Troussier phải chọn lựa những cầu thủ “dám chơi”. Quang Hải, Văn Toàn, Văn Thanh, Tấn Tài, Tiến Linh… có đủ kinh nghiệm, sự lì lợm để đối chọn với một đối thủ mà họ chưa bao giờ ngán ngại. Thực tế, sau những gì đã xảy ra, Việt Nam buộc phải thay đổi. Sự thay đổi này không chỉ mang đến hy vọng về một trận thắng mà còn giúp cho những cầu thủ đã mắc sai lầm tránh được áp lực từ dư luận. Phan Tuấn Tài, Võ Minh Trọng chắc chắn là hai cầu thủ được đặt trong tầm ngắm và có lẽ họ không muốn trở thành “nạn nhân” của gạch đá.
Một trận đấu không có đường lùi, một “trận đấu sinh tử” chắc chắn không chỗ cho sự uỷ mị, không có chỗ cho chuyện tình cảm với trò cưng,… Chính vì vậy, ĐT Việt Nam cần có những chiến binh để chiếu đấu cho những mục tiêu của lý trí và con tim. Bây giờ chỉ còn chờ tín hiệu và niềm tin từ HLV Troussier.