Bóng Đá Plus trên MXH

Vũ khí nóng ở vòng knock-out: Chuẩn bị quyết đấu 11m
15:00 ngày 28/06/2014
Kể từ hôm nay (28/6), tính hấp dẫn của World Cup 2014 sẽ tăng vọt vì thể thức knock-out đi kèm với sự khốc liệt và kịch tính rất cao của các cặp đấu không khoan nhượng. Nói đến thể thức knock-out là phải nói đến những cuộc “đấu súng”, tức các loạt sút luân lưu 11m hồi hộp đến nghẹt thở.

    CHẮC CHẮN SẼ CÓ “XỔ SỐ”
    Có thể tập sút luân lưu 11m? Huyền thoại Johan Cruyff từng khẳng định là không thể tập, bởi sân tập không bao giờ có được bầu không khí căng thẳng, cầu thủ cũng không phải chịu áp lực nặng nề như khi sút luân lưu... thật. Nhưng rồi, chính người Hà Lan (thủ môn Edwin Van der Sar chẳng hạn) đã chỉ ra rằng đấy là một... suy nghĩ lạc hậu. 

    Dù là Cruyff đi nữa, cũng có lúc sai! Thực tế cho thấy, bây giờ người ta không chỉ tập sút 11m mà còn nghiên cứu tỉ mỉ, chuẩn bị kỹ càng để luôn sẵn sàng ứng chiến mỗi khi bị đẩy vào cuộc so tài trên chấm 11m.

    FIFA áp dụng quy định đá luân lưu 11m từ World Cup 1978, nhưng giải ấy không có trận nào phải đá luân lưu. Loạt “đấu súng” đầu tiên trên sân cỏ World Cup diễn ra ở trận bán kết World Cup 1982 (Đức thắng Pháp 5-4 sau khi mỗi bên đá 6 quả). 

    Đã có cả thảy 23 đội từng đá luân lưu 11m ở đấu trường World Cup. Đức, Pháp, Argentina, Italia là các đội đá luân lưu nhiều nhất (đều 4 lần). Trong số những đội từng đá luân lưu 2 lần trở lên thì Đức là đội duy nhất chưa bao giờ thua.

    Có 18,6% số trận knock-out ở World Cup từ năm 1982 đến nay được quyết định bởi loạt sút luân lưu 11m. Chưa có kỳ World Cup nào (từ năm 1982) là không có màn “đấu súng” đầy hồi hộp. Nói cách khác: dù muốn hay không, gần như chắc chắn bạn sẽ phải chứng kiến trò “xổ số 11m” lần nữa tại World Cup này.


    CƠ HỘI CHO CÁC THỦ MÔN
    Michel Platini, Socrates, Diego Maradona, Roberto Baggio... là các tượng đài từng sút hỏng luân lưu. Riêng với Baggio, cú sút vọt xà trong trận chung kết World Cup 1994 thật sự là nỗi ám ảnh, đã đeo bám anh suốt nhiều năm liền. 

    Đấy là khoảnh khắc tồi tệ nhất trong toàn bộ sự nghiệp của anh. Chính Baggio thừa nhận: anh không thể nhớ hết rằng mình đã tưởng tượng ra bao nhiêu điều tốt đẹp, trong bao nhiêu năm, rằng cuộc sống và sự nghiệp của anh sẽ như thế nào nếu không có cú sút ấy.

    Tóm lại, trò “đấu súng” trên chấm 11m luôn đe dọa... cả sự nghiệp của bất kỳ siêu sao nào. Ngược lại, đấy là cơ hội để đời cho các thủ môn. Rất ít người biết hoặc nhớ đến Sergio Goycochea, nếu anh không phá được 4 quả luân lưu trên đường (cùng Diego Maradona) kéo một Argentina rệu rã vào tận chung kết World Cup 1990. 

    Thomas Ravelli nhớ lại giây phút oai hùng, khi anh đỡ thành công những quả luân lưu để đưa Thụy Điển vào vòng bán kết World Cup 1994: “Tôi thanh thản đến kỳ lạ. Tôi không mảy may nghĩ đến quá khứ hoặc tương lai. Tôi chỉ cần biết, áp lực thuộc về những người phải sút bóng, chứ không phải thủ môn. Sút luân lưu 11m là cơ hội duy nhất để thủ môn trở thành người hùng trong môn bóng đá”.

    THÔNG TIN THÊM:
    Chuyện sút và đỡ bóng
    Các thủ môn Sergio Goycochea (Argentina) và Harald Schumacher (Đức) cùng giữ kỷ lục phá được 4 quả luân lưu 11m trên đấu trường World Cup. Ricardo (BĐN) thì giữ kỷ lục phá được 3 quả chỉ trong 1 trận.

    Tổng cộng, đã có 23 thủ môn, phá được 41 quả 11m luân lưu (20,1%) ở World Cup. Nghĩa là cứ 5 cú sút thì, tính bình quân, thủ môn đỡ được 1 quả. Trong 41 quả ấy, có 23 lần thủ môn đổ người về bên phải, 18 lần đổ sang bên trái. Chưa ai đứng yên mà cản phá được quả 11m luân lưu.

    Trong 204 cú sút luân lưu xưa nay thì có 42 lần cầu thủ sút bằng chân trái, 162 lần sút bằng chân phải.

    Kỷ lục hy hữu của Thụy Sỹ
    Thụy Sỹ là đội duy nhất xưa nay đã sút hỏng tất cả những quả luân lưu của họ ở đấu trường World Cup. Ở vòng 1/8 World Cup 2006, Thụy Sỹ hòa Ukraine 0-0 và thua 0-3 trên chấm 11m luân lưu. Trước đó, Thụy Sỹ không hề thủng lưới ở vòng bảng. Do vậy, Thụy Sỹ còn có một kỷ lục nữa: đấy là đội duy nhất xưa nay bị loại khỏi World Cup dù không thủng lưới bàn nào.

    Hãy lưu ý cú sút thứ 8
    Pha sút luân lưu hỏng ăn gần đây nhất ở đấu trường World Cup là cú sút của Asamoah Gyan (Ghana) trong trận gặp Uruguay tại vòng tứ kết World Cup 2010. Pha sút luân lưu hỏng ăn đầu tiên trong lịch sử World Cup là cú sút của Didier Six (Pháp) trong trận gặp Đức tại vòng bán kết World Cup 1982. 

    Một trong những cú sút hỏng nổi tiếng nhất trong lịch sử World Cup là của Michel Platini (Pháp) trong trận gặp Brazil tại vòng tứ kết World Cup 1986. Điểm chung?

    Tất cả đều là cú sút thứ 8 trong loạt luân lưu của họ. Thống kê cho thấy: cú sút luân lưu thứ 8 thường là cú sút có xác suất thành công thấp nhất - chỉ có 45% thành bàn. Chưa thấy giới chuyên môn lý giải điều này. Nhưng hãy tập trung tinh thần để xem kỹ cú sút thứ 8 trong những màn “đấu súng” sắp tới.
    Phương Quyên • 15:00 ngày 28/06/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Cùng chuyên mục
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay