Cái gì cũng mua được
Tay đạo diễn, một người rất yêu ngựa, từ chối thẳng thừng, và sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy mình nằm trong vũng máu cùng chiếc đầu của con ngựa yêu thích nhất. Một lời cảnh báo rùng rợn, và hiệu quả. Bố Già đã đạt được mục tiêu: cậu con đỡ đầu của ông đã được nhận một vai trong bộ phim.
Lời đề nghị không thể từ chối sau này được sử dụng để mô tả một chiến lược thâu tóm thường thấy trên thương trường, được một tập đoàn lớn hay nhà đầu tư sử dụng để mua lại các công ty khác. Trong hầu hết các trường hợp, công ty mua lại sẽ chào mua công khai công ty mục tiêu với giá vượt xa giá trị cổ phiếu của công ty mục tiêu, và các cổ đông sẽ không mất nhiều thời gian để đồng ý bán.
Hãy tưởng tượng việc một công ty A tìm cách mua lại công ty B. Công ty B tuyên bố họ không quan tâm. Công ty A liền đưa ra lời chào mua công khai với giá 100 USD 1 cổ phiếu, dù giá hiện tại của cổ phiếu công ty B chỉ là 60 USD. Ngay cả khi ban lãnh đạo công ty không muốn bán, thì nếu quá nhiều cổ đông chấp nhận bán sẽ khiến công ty B rơi vào tay công ty A do đã nắm đủ số cổ phần chi phối.
Hôm qua, khi chủ tịch FIFA Gianni Infantino tuyên bố rằng sẽ có một giải đấu dành cho các CLB trên toàn thế giới với thể thức như World Cup từ năm 2025 và được tổ chức 3 năm một lần, có lẽ nhiều người chúng ta có chung cảm giác: liệu có một lời đề nghị “không thể chối từ” nào ở đây hay không?
Các ý tưởng điên rồ đang sinh sôi. Hãy bắt đầu từ chính Qatar 2022: lần đầu trong lịch sử, chúng ta xem World Cup vào tháng 12, trong các sân vận động có điều hòa nhiệt độ. Qatar đã “mua” được suất này, như lời tố cáo của cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter, người cáo buộc Michel Platini đã “quay xe” bỏ phiếu cho Qatar sau cuộc gặp với tổng thống Nicolas Sarkozy. Sáu tháng sau khi chiến thắng, Qatar đã hỏi mua dàn máy bay chiến đấu của Pháp với giá gần 15 tỷ USD.
Các ý tưởng điên rồ
Và để tổ chức World Cup lần này, Qatar đã đưa ra hàng loạt đề nghị không thể chối từ, với tổng chi phí lên đến 200 tỷ USD, một con số chưa từng có trong lịch sử tổ chức các giải đấu. Họ xây cấp tốc các sân vận động, những thành phố mới, các đoàn xe bus và trả công cho hàng ngàn hướng dẫn viên. Các nhân vật có tên tuổi bậc nhất trong làng bóng đá, như Arsene Wenger, Juergen Klinsmann, Kaka, Guti, Ronald de Boer, Alessandro Del Piero và đặc biệt là David Beckham đã đồng ý có mặt ở đây để quảng bá cho giải đấu.
Hai ngôi sao lớn bậc nhất của World Cup lần này cũng đến đây với hợp đồng thương mại dắt túi: Neymar và Messi cùng là gương mặt thương hiệu cho hãng viễn thông Ooredoo của Qatar. Trong một đoạn quảng cáo của hãng này, cả hai ngồi xơi bỏng ngô cùng với David Beckham trên ghế sofa.
Trước đó, Messi cũng đã ký một hợp đồng quảng bá du lịch cho Saudi Arabia với thù lao lên đến 30 triệu USD/năm. Ngôi sao Cristiano Ronaldo thì từ mùa sau có thể sẽ chơi bóng ở Saudi Arabia với mức lương lên đến 200 triệu USD/năm. Toàn là những lời đề nghị không thể chối từ cả. Các ngôi sao kiểu Messi hay Ronaldo, vốn được nhìn nhận như những á thần trong thế giới thể thao nói riêng và con người nói chung, rốt cục, vẫn chỉ là người bình thường.
Vì bản chất của lời đề nghị không thể chối từ chính là việc xác nhận rằng rốt cục, bất kỳ điều gì cũng có cái giá của nó. Không phải 5 triệu USD thì sẽ là 10 triệu USD. Nếu 10 triệu chưa đủ thuyết phục thì sẽ là 20 triệu. Và nếu 20 triệu chưa đủ, thì 50-100 triệu sẽ là những cái giá đủ để khiến bất kỳ ai cũng phải gật đầu.
Những điều ngạc nhiên lần đầu xuất hiện ở Qatar 2022, vì thế, chỉ là khởi đầu. Bốn năm nữa, số đội đã được nâng lên thành 48, và từ nay cho đến lúc đó, sẽ còn rất nhiều lời đề nghị nữa được đưa ra dưới gầm bàn. Và nhiều khả năng chúng sẽ đều được chấp thuận, vì chúng ta đang sống trong một thế giới mà rất ít người có thể từ chối, còn năng lực đưa ra những đề nghị không thể chối từ thì có vẻ ngày càng nhiều lên.