“Maradona là độc nhất”
Họ phỏng vấn Fernando Zarate, anh họ của Maradona, người đã lớn lên và hiện giờ vẫn đang sống ở Fiorito: “Nó gợi lại rất nhiều kỷ niệm – những khoảnh khắc mà chúng tôi đã sống cùng với cậu ấy. “Cậu ấy luôn mang theo Fiorito bên mình. Cậu ấy không bao giờ quên rằng mình đến từ đâu. Rất nhiều bạn bè của cậu ấy vẫn ở đây. Tôi nghĩ rằng mọi tầng lớp xã hội đều kết nối với cậu ấy. Cậu ấy luôn đứng về phía mọi người”.
Fiorito, nơi The Atheltic đến thăm, giờ đây vẫn là một khu ổ chuột nghèo khó, kiểu con phố mà những người Argentina khác sẽ “cảnh báo bạn rằng không nên lui tới, hoặc ít nhất phải rất cẩn thận nếu có ý định lui tới”, vì “ngay cả tài xế taxi địa phương cũng nói rằng anh ta sẽ kéo mũ sụp xuống che mắt và thật cảnh giác giữ mình trước khi chuồn khỏi đó càng sớm càng tốt”.
Nhưng dù thế nào, ngôi nhà cũ của Maradona, hiện đã có chủ mới, vẫn được chú ý. Trên hàng rào ọp ẹp, các CĐV treo đầy cờ Argentina. Một nửa tòa nhà được bao phủ bởi bức tranh tường lớn hình Maradona và dòng chữ ‘La casa de d10s’ – ngôi nhà của Chúa – còn nửa còn lại có một lá cờ Argentina khác, trông chỉn chu hơn, và một bức vẽ Maradona trong màu áo Boca Juniors.
Để thể hiện sự tôn trọng sau khi Maradona qua đời, tòa nhà này đã được công nhận là di tích quốc gia, sánh ngang với ngôi nhà mà cựu Đệ nhất phu nhân Argentina Evita Peron đã lớn lên và một loạt nhà thờ, tượng đài khác.
Sau hàng thập niên, vị trí của Maradona không hề suy suyển: “Có những cầu thủ như (Juan Roman) Riquelme, người mà tất cả đều tôn trọng vì phẩm chất của cậu ta”, đội trưởng đội lão tướng địa phương, Sergi, nhận xét. “Cậu ấy chơi cho Boca nhưng cậu ấy được mọi người tôn trọng. Enzo Francescoli, người Uruguay, chơi cho River Plate (đối thủ lớn nhất của Boca ở địa phương) nhưng mọi người đều tôn trọng cậu ấy, vì trình độ. Nhưng Maraona mới đoàn kết mọi người. Ông ấy là độc nhất. Cho dù bạn chơi ở hạng B, C hay là đội phường xã thôi, ông ấy luôn đoàn kết mọi người. Chỉ có Maradona mới làm được điều đó”.
Điều đáng chú ý là câu chuyện về Messi, trong mắt những người dân ở đây: tiền đạo của PSG bị cho là “không tồn tại” ở Argentina, rằng “cậu ta là một người bạn tuyệt vời của Tây Ban Nha”. “Messi đã vô địch Copa America? Vậy thì sao? Anh ta đã thua ba trận chung kết (ở giải đó) rồi” – Roque, một người Argentina sống ở Fiorito, trả lời không do dự. Khi có ai đó chỉ ra rằng Argentina hẳn rất may mắn khi sở hữu hai trong số những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời, câu trả lời nhận được luôn là: “Không! Chỉ có một”.
Không phải lỗi của Messi
Messi đã đi qua toàn bộ sự nghiệp với một nỗi ám ảnh lớn: anh chưa bao giờ được thừa nhận như một ngôi sao thực thụ trong lòng những người Argentina vốn chỉ luôn nghĩ rằng Maradona là biểu tượng vĩnh viễn của họ. Maradona là một người con địa phương trước khi nổi danh toàn thế giới, còn Messi là một biểu tượng toàn cầu trước tiên, và giành được mọi thứ trong màu áo một CLB Tây Ban Nha. Nhiều người Argentina chưa bao giờ cảm thấy anh là của riêng họ như cách mà Carlos Tevez đã làm chẳng hạn, chưa nói gì đến Maradona.
Đây có lẽ sẽ là World Cup cuối cùng của siêu sao người Argentina, người đã phải vật lộn dưới cái bóng của Maradona ngay từ vạch xuất phát: anh trầm lặng, không có sự tinh quái và sôi nổi của Diego. Maradona thể hiện cá tính trong và ngoài sân cỏ. Messi chỉ có quả bóng để nói lên tiếng nói của riêng anh.
Maradona đã qua đời trong cô đơn và có biểu hiện trầm cảm, sau một quãng thời gian dài đắm chìm vào ma túy và rượu. Nhưng trong lòng người Argentina, những gì ông đã làm được là vĩnh viễn, và giống như một lời nguyền cho bất kỳ ai muốn tiếp bước ông. Messi đã tỏa sáng ở World Cup lần này, và hứa hẹn rằng anh có thể mang đến một chức vô địch thế giới nữa cho những người Argentina. Nhưng không có gì đảm bảo rằng anh sẽ được yêu mến hơn hiện tại, vì đơn giản rằng với các đồng bào của anh, hình tượng của Maradona là không thể thay thế nổi.
Đấy là vấn đề của họ, không phải vấn đề của Messi, người có lẽ cho đến lúc này, không còn gì để chứng minh nữa.