“Christophe Dugarry, người bạn lớn nhất của tôi”
Vậy World Cup cũng giống thế?
“Giải đấu này luôn là sự khác biệt vô cùng lớn và sức ép thì thực sự kinh khủng. Đó là thực tế mà bạn cần chấp nhận. Đôi khi khán giả khiến bạn phạm sai lầm. Công chúng muốn bạn phải cống hiến tất cả. Bản thân tôi cũng thế, luôn muốn tận hiến cho những người đã cổ vũ cho chúng tôi, cho các cầu thủ khác, cho lối chơi tập thể, cho HLV của chúng tôi. Vậy là tôi trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết”.
HLV. Chính xác là ông ấy. Khi Aimé đi qua Zidane lúc vào phòng thay đồ, ông thậm chí còn không nhìn anh. Làm sao để hiểu được hành động này là bơ lác?
“Tôi không biết gì cả”.
Người ta sẽ hiểu Aimé. Hiểu được sự giận dữ của ông. Bởi ông vừa mất đi cầu thủ dẫn dắt lối chơi của mình. Bởi ông làm sao để tìm ra phương án dự phòng bây giờ: tại ĐT Pháp, mọi vị trí đều có hai người, trừ vị trí của Zidane.
Tuy nhiên, đó chỉ là một giả thuyết về cơn giận dữ của Aimé (thấy thái độ của ông, người ta tưởng ông đang giận dữ). Và đó chỉ là sự suy đoán. Tại bất cứ một giải đấu lớn nào, Les Bleus cũng thường chỉ có một cầu thủ dẫn dắt lối chơi: Raymond Kopa tại Mondial 1958, Michel Platini tại các World Cup 1982 và 1986. Và Zinedine Zidane tại World Cup 1998?
Dù trên sân hay ngoài đời, Zidane và Dugarry cũng như hình với bóng.
Aimé Jacquet cũng từng áp dụng những lối chơi khác nhau trong trường hợp thiếu vắng số 10. Và ông sẽ sớm giải thích lý do vì sao ông đã không nhìn cầu thủ bị đuổi của mình. Thực tế, Aimé không nhìn Zidane khi ấy là vì Deschamps đang bị đau và ông muốn để Zizou được bình tâm, không bị làm phiền.
Dù sao thì điều thực sự tiếc nuối nhất của Zidane không phải bị đuổi hay Jacquet không nhìn mình, mà là bỏ lỡ cơ hội ghi bàn ở phút thứ 4.
“Nếu tôi đưa được bóng vào lưới, thì Christophe đã không bị rách bắp đùi. Cậu ấy sẽ không bị đau đến thế. Cậu ấy đã bình tĩnh hơn. Cậu ấy đã không phải từ biệt Mondial…”.
Bởi vì điều tồi tệ nhất với Zidane khi ấy không phải là chia tay cuộc chơi lớn. Án phạt chẳng thấm tháp vào đâu so với nguy cơ đang treo lơ lửng trên đầu người đồng đội thân thiết nhất, người bạn tuyệt nhất của anh. Anh có nguy cơ bị treo giò 2 trận. Và có thể khi kháng cáo, hình phạt sẽ giảm xuống 1 nửa. Và nếu các đồng đội của anh chơi tốt, anh vẫn còn cơ hội trở lại thi đấu ở France’98. Nhưng còn Christophe?
“Khi chúng tôi đặt chân đến Clairefontaine đã quá nửa đêm và chúng tôi biết rằng có thể ở đây khoảng 2 tuần. Lúc này là 18/6. Cậu ấy chẳng có chút cơ may nào thi đấu trước trận bán kết. Đấy là trong trường hợp chúng tôi giành vé vào vòng 4 đội mạnh nhất thế giới”.
Trong căn phòng mà hai người bạn thân cùng ở, không khí nặng như chì. Mọi thứ thật khó khăn. Một người thì đau ê ẩm vì chấn thương, người còn lại cảm thấy bất lực cho hoàn cảnh của cả hai. Cả hai cùng rất đau. Trái tim như rỉ máu. Họ nằm dài ra giường. Suy nghĩ mông lung, bi quan và chán nản. Xung quanh Clairefontaine, mọi ngõ ngách, là bầu không khí lễ hội. Ngày hội lớn sau chiến thắng của ĐT Pháp. Nhưng, cả hai cảm thấy lạc lõng, bất lực.
“Chúng tôi như hai kẻ bất hạnh nhất trần gian. Tôi đau nỗi đau của mình. Cậu ấy đau nỗi đau của cậu ấy. Christophe của tôi vừa trải qua một năm không ít khó khăn, và rồi, bước vào World Cup, cậu ấy ghi bàn, hứa hẹn có thể tạo được những điều kỳ diệu ở trận thứ hai. Nhưng tất cả đã kết thúc. Cậu ấy sẽ không chơi lại được. Thành thực mà nói, tôi còn may mắn hơn Christophe… Và tôi tức giận vì điều đó. Tại sao chỉ có tôi, mà không phải là Christophe? Tại sao Christophe lại bị chấn thương. Thật bất công… Thực sự đó là một đêm buồn, u tối…”.
Để lên dây cót tinh thần, cả hai mở đi mở lại một đoạn video mà Christophe đã nhận được vài ngày sau khi ghi bàn đầu tiên cho ĐT Pháp tại World Cup 1998. Có ai đó đã quay lại phản ứng của ba mẹ Christophe khi con trai họ ghi bàn đầu tiên của mình tại một kỳ Mondial, trong trận đấu ở Marseille. Nhìn thấy niềm vui này, cha Dugarry đã khóc. Ông rất hiếm khi xúc động đến thế. Zidane và Dugarry tua đi tua lại băng để xem. Họ cười, họ nói. Như tìm thấy niềm tin trở lại. Rồi đêm dài cũng lặng lẽ trôi qua. Những giọt sương long lanh trên các tán cây trong công viên. Đôi bạn thân sẽ thay đổi, sẽ không bi quan. Cả hai cất chiếc băng cát-sét đi và bắt đầu nói về chủ đề chính – trận đấu của ngày hôm đó.
Pháp thắng Saudi Arabia 4-0.
Lúc nào cũng thế, dù vui hay buồn, cả hai cũng đều chia sẻ với nhau từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống. Cùng khóc, cùng cười, cùng vui cùng buồn, cùng hạnh phúc, cùng đau khổ. Trong hoàn cảnh hiện tại, cả hai đều có những nỗi đau riêng nên cùng nhau trải qua nỗi bất hạnh của mình. Giận dữ với Zidane. Đau đớn cho Dugarry. Cả hai cùng tuyệt vọng.
“Christophe là người bạn lớn của tôi. Tôi đã gặp cậu ấy từ những lúc khoác áo các ĐT trẻ Pháp. Khi ấy chúng tôi 15 tuổi. Và tôi thực sự gắn bó với cậu ấy năm 1992 khi tôi chia tay Cannes để gia nhập Bordeaux. Khi ấy, Christophe đã ở đó, cùng với Bixente (Lizarazu)…”
Họ tạo thành bộ ba nổi tiếng của Bordeaux. Ở ĐT Pháp, một người đá hậu vệ trái (Lizarazu), một dẫn dắt lối chơi và một đá trung phong. Zidane thường nói: “Tôi ư, tôi sẽ thực hiện những đường chuyền, kết nối giữa họ…”
Ở tuổi 20, Zidane rời gia đình nhà Élineau và Cannes để tới xứ Gironde và một gia đình khác.
Khoác áo Bordeaux, đó là một giấc mơ; có thể không sánh được với Marseille, nhưng đó là giấc mơ của bất cứ cầu thủ trẻ nào. Bởi Marseille hồi đó vì những lý do nhầm lẫn nào đó lại không muốn nhiêu mộ Zidane. “Bernard Tapie hy vọng sẽ chiêu mộ được tôi. Một số người đã nói với ông ấy hãy để tôi vào đúng chỗ… Nhưng cuối cùng họ lại chọn một cầu thủ khác tại Cannes, chứ không phải tôi…”
Gia đình, đó sẽ là điều mà anh xây dựng. Bởi Véronique đến Bordeaux cùng anh. Nàng quyết định bỏ dở việc học ở trường múa để đồng hành cùng người mà nàng yêu. Họ sẽ bước vào cuộc sống chung.
Bordeaux là một nơi xa lạ. Một thành phố rất tư sản, kiểu mẫu, thanh tao, khác hẳn với Marseille. Khi Zizou và Véronique đặt chân tới đây, họ chẳng quen biết một ai, chẳng biết gì về thành phố xa lạ này. Nhưng Dugarry và Lizarazu ở đó, nắm chặt lấy bàn tay của người anh em thân thiết.
Bộ ba Dugarry-Zidane-Lizarazu rất thân thiết với nhau
“Nhờ Liza, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều. Không chỉ trong bóng đá. Đó là một người đàn ông thực sự vô cùng thông minh, có học thức uyên bác. Anh ấy luôn rõ ràng với chính bản thân mình. Anh ấy ghét dối trá…”.
Dugarry lại thuộc kiểu mẫu người khác.
“Cậu ấy đến từ ngoại ô yên tĩnh của Bordeaux. Dân Aquitaine chính gốc. Tôi lại đến từ khu phố ổ chuột phía Bắc Marseille. Hai cuộc sống hoàn toàn không giống nhau”.
Thậm chí, đó là sự trái ngược hoàn toàn. Người ta gọi là sự hấp dẫn của hai thái cực. Dugarry tham gia băng nhóm, sẵn sàng lê la tại các hộp đêm và tham gia vào tất cả các kiểu lễ hội. Zidane thì luôn từ chối tất cả những thứ đó. Mỗi lần Christophe mời Zizou tham gia vào trò gì, anh liền từ chối và trở về nhà. Ở đó, Véronique đang đợi anh. Nàng chắc chắn sẽ rất buồn nếu không có anh ở nhà. Bởi ở đây, nàng đâu quen ai, ngoài anh? Thế giới đầy những người là người, nhưng nàng chỉ có anh.
“Christophe dành mọi thời gian rảnh rỗi để giải trí, vui vẻ. Tôi thì sống khép mình hoàn toàn. Nhưng cậu ấy lại giúp đỡ tôi rất nhiều. Cậu ấy giới thiệu tôi với thế giới ở Bordeaux và giúp tôi khám phá, thích nghi dần. Cậu ấy nâng tôi trên đôi cánh của mình. Chúng tôi luôn ở bên nha trong mỗi kỳ nghỉ, trên rừng, xuống biển… Để rồi chúng tôi cùng nhau mở một nhà hàng…”
“Không còn nơi nào khác”. Đó là một quán bia nằm ngay trung tâm thành phố. Đôi bạn thân đã dốc hết vốn liếng để cùng nhau mua nó. “Chúng tôi luôn muốn có cái gì đó cùng nhau. Đến bây giờ, tôi vẫn dành nhiều thời gian để nghĩ xem chúng tôi nên làm gì, kinh doanh gì, buôn bán gì…”
Nhưng Bordeaux, trước tiên là bóng đá. Cannes trở thành một kỷ niệm đẹp. Vì trước khi Zidane gia nhập Bordeaux, Cannes bị rớt hạng, phải xuống chơi ở giải hạng Hai Pháp. Cannes cũng thua luôn ở bán kết Cúp QG Pháp.
“Cannes thực sự là CLB đã đào tạo, góp phần không nhỏ hình thành một cầu thủ Zidane. Tôi muốn ở lại Cannes để thi đấu ở giải hạng Hai. Nhưng khi ấy tôi đã 20 tuổi và thực sự cần một bến đỗ lớn hơn. Khi ấy, Bordeaux đã tới và mang tôi đi…”